Hợp tác cùng phát triển

Nhận định thị trường ngày 14.12.2018: Thị trường giảm tương đối mạnh

Nhận định Thị trường hàng ngày 16/12/2018    507

Chia sẻ

Diễn biến giảm mạnh phiên giao dịch hôm nay tương đối bất ngờ và áp lực từ thị trường tài chính thế giới đang quay lại với các chỉ số lớn tiếp tục giảm, đồng USD bất ngờ mạnh trở lại với USD Index tăng lên mức 97.57 điểm cơ bản rất gần mức đỉnh điểm của năm nay ở 97.69 điểm. Áp lực điều chỉnh trong phiên giao dịch sáng diễn ra khá bình thường trong biên độ hẹp như các phiên điều chỉnh trong vài tuần qua nhưng đã mạnh lên vào phiên chiều với lực bán tăng lên rõ rệt khiến các chỉ số và nhiều cố phiếu đóng cửa giảm sâu. VNIndex đóng cửa ở 952.04 điểm giảm 8.21 điểm và VN30 đóng cửa ở 918.79 điểm giảm 10.11 điểm với thanh khoản toàn thị trường khi loại bỏ giao dịch đạt 3.700 tỷ đồng tương đương mức trung bình các phiên gần đây.

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đồng loạt giảm điểm trong đó áp lực giảm sâu nhất vẫn đến từ CTG -3.5% tiếp theo là VPB -2.9%; VCB -1.9%; MBB -1.8%; BID -1.2%; ACB -1%; HDB -1.3%….trong khi EIB tăng mạnh + 4.4%. Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán cũng giảm điểm dẫn đầu là VND -2.3%; HCM -1.2%; SSI -1.3%; VCI -1.2%; SHS -1.4%; MBS -0.7%. Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí cũng diễn biến giảm mặc dù tăng khá tốt trong phiên giao dịch sáng nhờ đà đi lên của giá dầu trong phiên giao dịch đêm qua trên thị trường hàng hóa quốc tế như GAS -1.3%; PLX -1.6%; PVS -1%; PVB -1.1%; BSR; PVD giảm nhẹ trong khi OIL đóng cửa ở tham chiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng thuận giảm điểm tạo ra mức giảm mạnh của các chỉ số như VCB; CTG; GAS; MSN; VHM; BID; VRE; HPG…trong khi ở chiều tăng chỉ có EIB; DPM; SAB; CTD tăng nhẹ không tạo ra sức cản đáng kể. Số lượng cổ phiếu giảm chiếm áp đảo trong phiên giao dịch hôm nay và mức giảm rõ rệt hơn nhóm tăng trong khi số lượng cổ phiếu phân hóa tăng giá cũng ít đi khi áp lực giảm của chỉ số khiến tâm lý thị trường có phần sợ hãi.

Khối nhà đầu tư ngoại giao dịch với quy mô rất thấp trong phiên giao dịch hôm nay và khối này mua bán cân bằng. Các cổ phiếu chịu áp lực bán ròng như HPG; CTG; E1VFVN30; HDB; GEX….trong khi ở chiều ngược lại khối này vẫn tích cực mua ròng CII; EIB; VNM; SSI; STB; MSN; DXG; ….

Chúng tôi cho rằng phiên giảm điểm hôm nay rõ ràng là tạo ra những lo ngại đáng kể về việc đảo chiều xu hướng hồi phục hiện tại khi diễn biến tình hình thị trường tài chính thế giới có vẻ đang tiêu cực hơn đặc biệt là đà tăng trở lại của chỉ số USD Index với rủi ro có thể vượt lại vùng đỉnh năm nay khi kỳ họp tháng 12 của FED đang tới gần. Hơn nữa, như trao đổi trong bản tin ngày hôm qua chúng tôi cũng nhận thấy một số dấu hiệu suy yếu của một số cổ phiếu lớn với hoạt động bán ra chủ động như CTG tạo ra những cộng hưởng tâm lý đáng kể cho phiên giảm điểm hôm nay. Sau giai đoạn đi ngược diễn biến tiêu cực của các thị trường chứng khoán lớn thì thị trường Việt nam cũng chịu sức ép diễn biến tương đồng trở lại bởi các thị trường tài chính có luôn sự liên thông mật thiết với nhau. Nhìn chung, các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM; VIC; SAB; VCB; BID; STB; VHM; BVH; MSN; GAS không quá tiêu cực trong phiên hôm nay với mức giảm nhẹ hoặc cân bằng và khối lượng giao dịch khá thấp trong phiên giảm sâu cho thấy chưa có sự đồng thuận suy yếu.  Trong khi các cổ phiếu đã suy yếu như CTG; MBB; VPB; VJC; HPG; NVL đang gây ra một chút sức ép lên thị trường chung. Do đó, chúng tôi cho rằng phiên giao dịch hôm nay chưa xác nhận sự đảo chiều của xu hướng hồi phục hiện tại và thị trường hoàn toàn có thể cân bằng lại trong phiên giao dịch đầu tuần tới cũng như xác suất tiếp diễn đà tăng lên vùng 980 của VNindex vần chư bị xóa bỏ. Tuy nhiên, trong bối cảnh các thị trường tài chính quốc tế tiếp tục diễn biến tiêu cực và thị trường Việt nam cũng bắt đầu xuất hiện các nhóm cổ phiếu bị suy yếu theo tạo ra các rủi ro có thể đảo chiều đợt hồi phục thì các phiên tăng điểm trở lại vẫn là cơ hội để giảm trạng thái cổ phiếu.

Thông tin chi tiết Quý nhà đầu tư vui lòng đọc báo cáo đính kèm tại đây.

 

 

Phái sinh

Chỉ số VN30 có phiên thứ 6 liên tiếp đứng ở vùng 920 điểm, điều này hẳn sẽ gây áp lực cho các vị thế ngắn hạn mua và không có lãi. Hoạt động giao dịch mạnh lên trong 2 phiên gần đây khi chỉ số không thể lập mức cao mới, cho thấy người cầm cổ phiếu dần mất kiên nhẫn.

Trong danh mục VN30, chúng tôi nhìn thấy VJC, PLX, CTG, VPB và MBB đang thể hiện rõ ý định rút lui của dòng tiền. Các cổ phiếu này rất có thể sẽ tiếp tục gây sức ép lên VN30. Các cổ phiếu VRE, MSN, VCB, GAS và FPT điều chỉnh theo tâm lý của thị trường nên khả năng tăng giá lại cao hơn nhóm nói trên.

Đặt trong bối cảnh thị trường quốc tế sụt giảm mạnh trong phiên Thứ 6 ngày 14/12, chúng tôi nghĩ áp lực bán sẽ mạnh lên trong phiên giao dịch đầu tuần.

Hợp đồng tương lai VN30F1812 tiếp tục thu hẹp khoảng cách với VN30, hoạt động giao dịch tiếp tục giảm và vị thế mở ít thay đổi. Tâm lý của giới đầu tư trên thị trường tương lai nghi ngờ trong khi ở bức tranh lớn thì thể hiện sự bi quan.

Chúng tôi nghĩ không nên mở vị thế bán ngắn hạn trên VN30F1812 khi chênh lệch giá tương lai với VN30 trên 5 điểm và VN30F1812 giao dịch ở điểm tựa 905 đến 907 điểm.

Thông tin chi tiết Quý nhà đầu tư vui lòng đọc báo cáo đính kèm tại đây.