Hợp tác cùng phát triển

La bàn thị trường 16/05/2025: Áp lực chốt lời gia tăng

Nhận định Thị trường hàng ngày 16/05/2025    691

Chia sẻ

Thông tin nổi bật trong ngày:

  • Ngày 16/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.960 VND/USD, giảm 10 đồng so với mức niêm yết trước đó. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 23.712 – 26.208 VND/USD.
  • Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu toàn cầu năm 2025 sẽ tăng thêm 1,6 triệu thùng/ngày, cao hơn 380.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, chủ yếu do OPEC+ đẩy mạnh việc gỡ bỏ các hạn chế sản lượng.
  • Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo thương mại công bằng với Mỹ, bao gồm tăng cường kiểm tra và kiểm soát để ngăn chặn gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Tại cuộc họp với Bộ Tài chính Mỹ, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh rằng Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ và đề nghị phía Mỹ hỗ trợ tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đầu tư song phương. Phía Mỹ cũng bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ kinh tế – tài chính với Việt Nam và lưu ý về việc kiểm soát thâm hụt thương mại để hướng tới quan hệ thương mại bền vững.
  • Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo rằng lãi suất dài hạn có thể tăng cao do các cú sốc nguồn cung diễn ra thường xuyên và dai dẳng hơn, gây thách thức cho việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế. Ông Powell lưu ý rằng kỷ nguyên lãi suất siêu thấp khó có thể quay trở lại, và Fed cần điều chỉnh khuôn khổ chính sách để thích ứng với môi trường kinh tế mới. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện khả năng truyền đạt chính sách trong bối cảnh bất ổn gia tăng.

Thị trường ghi nhận một phiên điều chỉnh sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp. Mặc dù một số cổ phiếu trụ nhóm Vingroup là VPL, VIC, VRE vẫn tiếp tục tăng điểm và nâng đỡ chỉ số, tuy nhiên áp lực chốt lời mạnh ở nhóm ngân hàng đã khiến VN-Index giảm điểm. Kết phiên, VN-Index giảm 11,18 điểm (- 0,9%) tạm dừng chân ở mốc 1.301,39 điểm. Thị trường nghiêng về số mã giảm với tỷ lệ mã giảm giá/mã tăng giá là 186/132.

Thị trường trả điểm sau hôm đáo hạn phái sinh trước đó, nhóm cổ phiếu trụ ngoài nhóm VIN đều có sự suy giảm đáng kể, điều đó gián tiếp ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư khiến cho tâm lý chốt lời khi chỉ số tiệm cận vùng cản mạnh quanh 1300-1320, tuy nhiên thanh khoản giảm 21% cho thấy áp lực này không quá lớn. Trong bối cảnh các thông tin tích cực đã dần phản ánh vào giá, thị trường có xác suất tích lũy đi ngang với thanh khoản giảm dần để chờ đợi diễn biến mới từ cuộc đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng đà hồi phục của thị trường mang tính phân hóa cao, khi vẫn còn nhiều nhóm ngành chưa quay lại vùng giá trước đợt điều chỉnh bắt đầu từ ngày 2/4. Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index không thể vượt thành công vùng kháng cự 1.300–1.320 điểm và bước vào nhịp điều chỉnh, các nhóm cổ phiếu chưa phục hồi hoàn toàn có thể chịu áp lực bán mạnh. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số hiện nằm tại khu vực 1.250 điểm.

Đọc báo cáo chi tiết tại: Link