Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast sáng 30/12/2022 – GDP Việt Nam năm 2022 tăng 8,02%, lập kỷ lục từ năm 2011

Nhận định Thị trường hàng ngày 30/12/2022    1461

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• GDP Việt Nam năm 2022 tăng 8,02%, lập kỷ lục từ năm 2011

– Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV và năm 2022. Theo đó, năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 8,02% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Trong đó, GDP quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%. Đạt được kết quả này là do tình hình kinh tế đã khôi phục trở lại.

– Cụ thể, trong từng lĩnh vực, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, ngành thủy sản tăng 4,43%.

– Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%. Trong khi đó, năm 2022 ghi nhận ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, ngành khai khoáng tăng 5,19%, ngành xây dựng tăng 8,17%..

– Riêng với khu vực dịch vụ đánh dấu sự khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Ngành bán buôn (tăng 10,15% so với năm trước); ngành vận tải kho bãi (tăng 11,93); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 9,03%, ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6% do dịch COVID-19 đã được kiểm soát.

– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Dù vậy, quy mô chỉ đạt 82,5% so với ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch bệnh. Khách quốc tế đến nước ta đạt 3,661 triệu lượt người trong năm nay, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019.

2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

• Đồng Việt Nam mất giá khoảng 3.8% trong năm 2022

– Kinh tế thế giới năm qua ghi nhận lạm phát gia tăng, giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đều thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh, khiến lãi suất và đồng USD tăng cao.

– Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 diễn ra ngày 28/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2022 từng có thời điểm tiền Đồng ghi nhận mức mất giá 7-8% so với USD cuối năm 2021, tuy nhiên hiện thị trường tiền tệ, ngoại hối đã cơ bản ổn định với Đồng Việt Nam đến ngày 27/12 mất giá khoảng 3,8%, mặt bằng lãi suất tăng gần 1%/năm, mức biến động thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực

– Thống độc Ngân hàng nhà nước cho biết năm 2022 ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động cộng hưởng từ những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn trên, ngành ngân hàng vẫn có những đóng góp quan trọng, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,2%), tăng trưởng kinh tế ở mức cao (khoảng 8%).

– Ngoài ra, trong kỳ báo cáo tháng 11, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ.

– Như vậy, trong năm 2022 mặc dù các biến cố vĩ mô gây áp lực rất lớn tới việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước, tuy nhiên các số liệu về lạm phát, sự mất giá của đồng tiền nội tệ cũng vẫn ở mức kiểm soát và thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

3. THỊ TRƯỜNG VỐN

• Thị trường chứng khoán: Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp

– Kết phiên giao dịch ngày 29/12/2022, VNINDEX đóng cửa tại 1,009.29 điểm, giảm 6.37 điểm so với phiên giao dịch trước đó. Thanh khoản giảm nhẹ đạt hơn 8,235 tỷ đồng, có 147 mã tăng, 237 mã giảm và 93 mã tham chiếu.

– Top các mã ảnh hưởng tích cực đến thị trường ngày hôm nay như: VCB, MSN, PNJ,.. ở chiều ngược ảnh hưởng tiêu cực nhất có BID, bên cạnh đó còn có VPB, SAB,…

– Phiên giao dịch 29/12, thị trường biến động mạnh về cuối phiên khiến hầu hết các nhóm ngành đều giảm, chỉ có 3 ngành giữ được sắc xanh là:  Bất động sản (0.27%), Chăm sóc sức khoẻ (1.53%), Tiêu dùng (0.97%),… Khối ngoại tiếp tục mua ròng tuy nhiên lực mua yếu nhất trong 5 phiên gần đây, giá trị đạt hơn 140 tỷ đồng, tập trung các mã như: VND, HPG, STB….

– Xuyên suốt phiên giao dịch của VNINDEX ngày 29/12, cung và cầu giằng co mạnh và liên tục đổi vị thế cho nhau. Thế nhưng, biến động mạnh nhất phải tính ở phiên chiều khi VN-Index bất ngờ tăng “dựng đứng” với lực mua mạnh, rồi đột ngột “lao dốc” giảm điểm số. Tuy nhiên, thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức thấp, việc giao dịch sôi động và có sự đột biệt vào lúc này là khó diễn ra khi thị trường đang trong giai đoạn cận kề với tết. Vì vậy tiếp tục quan sát là hành động phù hợp lúc này. Tỷ trọng cổ phiếu trên danh mục nên duy trì ở mức dưới 30%. Với tầm nhìn tích cực về thị trường trong dài hạn, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể sẵn sàng cho các cơ hội mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp tốt với mức định giá hợp lý trong các nhịp thị trường điều chỉnh quanh vùng giá 960-980 điểm.

• Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp – mục tiêu đến năm 2025 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 20% GDP

– Năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua nhiều khó khăn do niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước, cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế – chính trị thế giới.

– Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường. Cụ thể, để khôi phục niềm tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Mới đây nhất, ngày 23/11/2022, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với 39 doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán để trao đổi về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu và những đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thị trường. Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phát hành sử dụng mọi nguồn lực để đảm bảo thanh toán gốc, lãi trái phiếu như cam kết với nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản, để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, chủ động, kịp thời công bố thông tin chính thống cho nhà đầu tư để nắm bắt về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

– Nhìn chung, so sánh tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khá khiêm tốn với dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở mức trên 15% GDP. Do vậy, mọi biện pháp mà Bộ tài chính đề xuất, áp dụng và thực thi đều sẽ hướng tới mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

• Bất động sản được kỳ vọng phục hồi trong 2023

– Năm 2022, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều khó khăn khi sức mua, thanh khoản giảm mạnh, dòng tiền bị nghẽn. Trong khi đó, khối lượng trái phiếu đáo hạn cuối năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 21.650 tỷ đồng, 119.000 tỷ đồng và 112.000 tỷ đồng.

– Nhưng thiếu vốn không phải là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản. Theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), pháp lý là điểm nghẽn lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án. Đơn cử, nhiều quy định pháp luật chưa đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất, việc thực thi chưa hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp… Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng, lỗ hổng quản lý cũng tạo cơ hội khiến một cá nhân, tổ chức đầu cơ, gây nhiễu loạn thị trường. Những vấn đề này có thể sẽ được xử lý triệt để hơn trong năm sau, giúp thị trường dần hồi phục một cách bền vững.

– Theo dự báo của VNREA, từ quý II năm sau, thị trường sẽ dần phục hồi và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn khi những vướng mắc trên được tháo gỡ, môi trường pháp lý được có nhiều bước tiến mới, tăng trưởng kinh tế khả quan.

– Nhìn nhận chung về tương lai thị trường bất động sản, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam đánh giá, vài năm tới, tiềm năng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn rất lớn. Điều này có được nhờ nền tảng kinh tế Việt Nam ổn định, quá trình đô thị hóa nhanh với tỷ lệ 36% dân số sống tại thành thị. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 30/12/2022 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-