Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast sáng 04/01/2023 – PMI tháng 12 giảm còn 46,4 điểm, tương đương giai đoạn 2012 – 2013

Nhận định Thị trường hàng ngày 04/01/2023    1726

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• PMI tháng 12 giảm còn 46,4 điểm, tương đương giai đoạn 2012 – 2013
– Chỉ số PMI tháng 12 đã giảm xuống mức 46,4 điểm, là lần thứ hai giảm xuống ngưỡng dưới 50 điểm trong năm 2022 và tương đương những tháng thấp nhất của giai đoạn 2012-2013.
– Theo báo cáo từ IHS Markit, trong tháng cuối của năm 2022, ngành sản xuất Việt Nam suy giảm mạnh hơn khi nhu cầu cả ở trong nước và nước ngoài đều giảm. Trước tình hình đó, các công ty đã giảm việc làm và hoạt động mua hàng, trong khi niềm tin kinh doanh vẫn ở mức thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Purchasing Managers’ Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm từ mức 47,4 điểm xuống mức 46,4 điểm trong tháng 12 theo đánh giá của S&P Global.
– Nguyên nhân được nhắc đến là do tình hình nhu cầu nói chung là yếu, và tình trạng yếu kém được nhắc đến ở một số thị trường xuất khẩu chủ chốt. Những thị trường này bao gồm Trung Quốc Đại lục, Liên minh Châu Âu và Mỹ, và tình trạng cầu yếu kém đã khiến số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ hai liên tiếp.
– Với diễn biến của chỉ số PMI cho thấy, chỉ số này lần thứ hai liên tiếp nằm dưới ngưỡng trung tính 50 điểm, phản ánh các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất tiếp tục suy giảm. Mức giảm kỳ này là đáng kể nhất kể từ đợt suy thoái liên quan đến đại dịch được ghi nhận trong quý 3 năm 2021.

2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

• Tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 đạt 13% – gần sát với kế hoạch
– Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 12/2022, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng hơn 13%. Đây có thể coi là một tỷ lệ tăng trưởng khá hợp lý, khá sát với mục tiêu tăng trưởng đã được Ngân hàng nhà nước hoạch định hồi đầu năm 2022 là 14%.
– Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho biết, 2022 là năm có nhiều khác biệt so với mọi năm, trong điều hành vĩ mô nói chung và với ngành Ngân hàng nói riêng. Nền kinh tế vừa trải qua hai năm khó khăn do đại dịch Covid-19, gây ra tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Trong khi đó, các yếu tố từ bên ngoài cũng có những tác động bất ngờ với thị trường tiền tệ trong nước
– Với bối cảnh như trên, Việt Nam vẫn giữ nguyên được các mức lãi suất điều hành trong vòng hơn 8 tháng của năm 2022. Tuy nhiên trong 2 tháng liên tục sau đó (tháng 9 và tháng 10), Ngân hàng nhà nước đã 2 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng, với tổng mức tăng 0,8 – 2%/năm; tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên
– Đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết một số tín hiệu tích cực về lãi suất, tỷ giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã xuất hiện vào cuối năm 2022, tuy nhiên những yếu tố bất ổn từ bên ngoài và bên trong vẫn còn tiềm ẩn. Do vậy, một trong những thông điệp được đại diện Ngân hàng nhà nước đưa ra mới đây cho thấy, Ngân hàng nhà nước vẫn giữ quan điểm không “hào phóng” trong việc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2023.
– Ngoài ra, nhìn vào diễn biến chung về lãi suất và tỷ giá trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng nhà nước cũng cho biết thêm, các động thái tăng lãi suất của FED tuy đã chậm lại nhưng sẽ vẫn còn tiếp diễn đến hết năm 2023, nên xu hướng chung trên thế giới về lãi suất là vẫn còn tiếp tục tăng. Do đó, Việt Nam sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn nếu muốn đi ngược lại với dòng chảy chung.

3. THỊ TRƯỜNG VỐN

• Thị trường chứng khoán: Chỉ số VNINDEX tưng bừng trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023
– Kết phiên giao dịch ngày 03/01/2023, VNINDEX đóng cửa tại 1,043.9 điểm, tăng 36.81 điểm so với phiên giao dịch trước đó. Thanh khoản tăng mạnh đạt hơn 9,249 tỷ đồng, có 419 mã tăng, 77 mã giảm và 31 mã tham chiếu.
– Phiên hôm nay thị trường duy trì tăng liên tục từ đầu phiên đến cuối phiên, hầu hết các nhóm ngành đều tăng mạnh thể hiện sự đồng thuận của toàn thị trường. Top các mã anh hưởng tích cực đến vnindex trong phiên hôm nay: BID, VIC, VCB,… ở chiều ngược lại có EIB, STG, CRE,…
– Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 240 tỷ đồng tập trung các mã như: HPG, VNM, VCB,…..
– Thị trường đã có một phiên giao dịch tương đối là tích cực với giá đóng cửa của chỉ số VNINDEX cao nhất phiên, vượt MA20 và đi kèm với mứcthanh khoản được cải thiện. Chúng tôi cho rằng, về xu hướng ngắn hạn đã chuyển sang tích cực và tăng giá trở lại, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục gia tăng nhẹ hoặc nắm giữ cổ phiếu đang có sẵn trong danh mục. Trong dài hạn, nhà đầu tư có thể sẵn sàng cho các cơ hội mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp tốt với mức định giá hợp lý trong các nhịp điều chỉnh của thị trường.

• Năm 2022 – giá trị phát hành trái phiếu mới đạt 255.000 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ
– Theo báo cáo của Bộ Tài chính đến ngày 15/12/2022, có 447 mã trái phiếu niêm yết; quy mô giao dịch bình quân đạt 7,82 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 31,4% so với năm 2021. Khối lượng phát hành Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến ngày 15/12/2022 là 332 nghìn tỷ đồng, giảm 34,76% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành chính trong năm 2022, chiếm 41% tổng khối lượng phát hành; các doanh nghiệp bất động sản phát hành 28,6%; doanh nghiệp xây dựng, sản xuất phát hành lần lượt là 7,8% và 6,7%; các doanh nghiệp khác chiếm 15%.
– Mặt khác, theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho thấy, tính từ đầu năm tới ngày 23/12/2022, giá trị phát hành trái phiếu mới (cả phát hành ra công chúng lẫn phát hành riêng lẻ) đạt gần 255.000 tỷ đồng, giảm gần 62% so với cùng kỳ. Cũng theo đó, tính từ đầu năm đến ngày 23/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, nếu trừ đi số trái phiếu mua lại trước hạn, năm 2022, doanh nghiệp chỉ huy động thêm được gần 55.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, bằng 1/10 lượng phát hành ròng ra thị trường năm 2021. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp bị hụt gần nửa triệu tỷ đồng vốn huy động qua kênh trái phiếu so với năm ngoái.
– Như vậy, với một loạt nhưng sai phạm của các tổ chức phát hành trong năm qua đã khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp có một năm đầy sóng gió. Sang năm 2023, việc khôi phục niềm tin thị trường gần như là vấn đề cấp thiết nhất. Trong đó, một loạt các biện pháp như: rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xây dựng hệ thống đo lường, xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp sẽ được ưu tiên.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

• Lo ngại suy thoái ‘phủ bóng’ lên thị trường dầu mỏ thế giới
– Theo báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa của Ngân hàng Thế giới (WB), sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và những lo ngại về suy thoái đã vượt xa những lo lắng về thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ. Các chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố có thể làm thay đổi đáng kể cung-cầu toàn cầu.
– Đối với nguồn cung, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga và chính sách áp giá trần của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), chính sách sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là (OPEC+), hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, việc sử dụng và bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược được coi những nhân tố chính.
– Trong khi đó, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và việc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc dự kiến sẽ chi phối nhu cầu dầu mỏ. Trung Quốc dự kiến sẽ đóng góp một khoảng một nửa mức tăng trưởng tiêu thụ dầu trong năm 2023, khi nước này giảm dần các chính sách hạn chế về đại dịch. Với khả năng phục hồi và tiềm năng của nền kinh tế, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “cơn gió ngược” đang chờ đợi nền kinh tế Trung Quốc. Một trong những rủi ro mà ngân hàng Morgan Stanley nhắc tới là khả năng chính phủ nước này sẽ rút lại các chính sách hỗ trợ nền kinh tế.
– Nhiều tổ chức vẫn tỏ ra thận trọng về triển vọng của giá dầu trong năm 2023. Ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo giá dầu cho năm 2023, với nhận định thị trường sẽ dư thừa dầu vào đầu năm. Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu Brent trong quý 1 và quý 2/2023 xuống còn lần lượt là 90 USD/thùng và 95 USD/thùng so với mức tương ứng 115 USD/thùng và 105 USD/thùng. Còn trong hai quý cuối năm 2023, Goldman dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên 100-105 USD/thùng, vẫn thấp hơn so với dự báo 110 USD/thùng trước đó. Cho cả năm 2023, Goldman Sachs dự kiến giá dầu Brent ở mức trung bình 98 USD/thùng và dầu WTI ở mức 92 USD/thùng, giảm so với dự báo trước đó là 110 USD/thùng cho dầu Brent và 105 USD/thùng cho dầu WTI.

Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 04/01/2023 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-