Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast ngày 27.06.2022 – Ngân hàng nhà nước tái khởi động kênh hút tiền sau 2 năm đóng băng?

Nhận định Thị trường hàng ngày 27/06/2022    599

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 27/06/2022

1.THÔNG TIN VĨ MÔ

CPI tại Anh tháng 5 tăng 9.1%, cao nhất từ năm 1982.

– Theo báo cáo mới nhất từ văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết tỷ lệ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 12 tháng ở Anh tăng 9.1% vào tháng 5/2022 và cao hơn mức 9% của tháng 4/2022. Mức 9.1% cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 3/1982. So với tháng trước, CPI tăng 0.7% trong tháng 5, cao hơn so với kỳ vọng 0.6%. Tuy vậy, con số này thấp hơn đáng kể so với mức 2.5% hồi tháng 4.

– Đà tăng của CPI đến từ chi phí nhà ở và dịch vụ dành cho hộ gia đình (chủ yếu là điện, khí gas và các nhiên liệu khác), cùng với vận tải. Giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 8,7%, cao nhất kể từ tháng 3/2009 trở thành lực đẩy chính của CPI tháng 5.

– Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) triển khai đợt nâng lãi suất thứ 5 liên tiếp, lãi suất chuẩn của BoE đang ở mức 1.25%, cao nhất trong 13 năm và BoE dự báo CPI sẽ vượt 11% vào tháng 10/2022 cao hơn nhiều so với các quốc gia trong nhóm G7.

– Áp lực lạm phát ở Anh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Ngân hàng Trung uơng Anh sẽ cần phải cân đối làm sao để vừa giữ được cho nền kinh tế mở rộng vừa hạ nhiệt được lạm phát. Khả năng cao là BoE sẽ tiến tới nâng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo.

Giá dầu giảm trong tuần trước quan ngại suy thoái

– Trong phiên Thứ Sáu (24/06), giá dầu Brent tăng 3,07 USD/thùng so với ngày hôm trước, lên mức 113,12 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 3,21% sau một ngày lên 107,620 USD/thùng. Giá dầu quay đầu tăng vào phiên cuối tuần khi những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung lấn át nỗi sợ xảy ra suy thoái: Hoạt động sản xuất ở Libya đã ngừng lại vì tình hình chính trị bất ổn, khiến OPEC+ càng khó đạt được mục tiêu sản lượng. Thêm vào đó, Bộ trưởng Dầu khí Nigeria cho biết OPEC+ đang cạn kiệt khả năng bơm thêm dầu, bao gồm cả thành viên lớn nhất của khối này là Saudi Arabia. Bên cạnh đó, trong tuần trước Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với các công ty có liên quan đến hóa dầu của Iran – nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 trong khối OPEC.

– Theo tuần, giá dầu vẫn ghi nhận giảm do giới đầu tư lo ngại rằng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái khi FED và các ngân hàng Trung ương lớn khác tiếp tục nâng lãi suất. Bên cạnh đó, giá dầu đang được kìm hãm đà tăng trong ngắn hạn bởi một số yếu tố: (1) Bộ Tài chính Mỹ đã bất ngờ nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với năng lượng từ Nga và (2) Mỹ và EU nới lỏng trừng phạt Venezuela, dự kiến trong tháng 6 sẽ nhận 2 triệu thùng dầu từ nước này.

– Giá dầu thô trong thời gian tới dự kiến sẽ hạ nhiệt so với giai đoạn chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra, tuy nhiên sẽ tiếp tục dao động trên mặt bằng cao quanh 100 USD/thùng do các bất ổn liên quan đến nguồn cung và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh trừ khi xảy ra tái giãn cách xã hội trên diện rộng (khả năng này khó xảy ra), hoặc suy thoái kinh tế.

WSJ: Giới đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro để ‘tích trữ’ đồng USD

– Chỉ số WSJ Dollar Index – theo dõi đồng USD so với rổ 16 đồng tiền tệ, tăng 3% trong tháng này. Đồng USD đã giảm nhẹ vào tuần trước sau khi Fed nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, nhưng vẫn tăng khoảng 12% từ đầu năm đến nay.

– Theo Wall Street Journal, nhà đầu tư đang bán cổ phiếu và trái phiếu để tích trữ đồng USD khi biến động thị trường tăng cao. Lượng tiền mặt USD của nhà đầu tư nước ngoài đang đạt gần mức cao kỷ lục.

– Hiện tại, đồng USD đã đóng vai trò là hàng rào trước tình trạng lạm phát đình trệ toàn cầu, khi đồng tiền này là một trong số ít loại tài sản tài chính mang lại lợi nhuận. Xu hướng này cũng là một dấu hiệu khác về việc lạm phát ở mức cao trong nhiều thập kỷ qua.

– Chính sách của FED và việc nhà đầu tư né tránh các tài sản rủi ro đang giúp đồng USD – được coi như một loại tài sản dự trữ của thế giới đang ở mức cao trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, rủi ro về suy thoái kinh tế trên diện rộng đang ngày càng gia tăng khi đi kèm với các động thái thắt chặt tiền tệ của các NHTW, đây sẽ là yếu tố khiến cho đồng USD hạ nhiệt.

2.LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

Ngân hàng nhà nước tái khởi động kênh hút tiền sau 2 năm đóng băng

– Ngày 21/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chính thức trở lại kênh tín phiếu sau 2 năm liên tục duy trì ở tình trạng đóng băng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán 200 tỷ đồng tín phiếu kỳ 7 ngày với lãi suất 0,3%/năm, tương ứng hút ròng 200 tỷ đồng qua kênh này.

– Kể từ đầu tháng 5 đến nay, thanh khoản hệ thống liên tục duy trì ở trạng thái dồi dào, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Theo giới phân tích, việc nhiều Ngân hàng Thương mại đã hết ”room” tín dụng trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thực hiện nới hạn mức đã làm cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài khiến thanh khoản hệ thống trở nên dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh.

– Theo một số chuyên gia, khi hệ thống ”khát tiền”, lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng vọt. Ngược lại, khi hệ thống thừa tiền, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, nếu giảm thủng cả đáy mục tiêu thì Ngân hàng Nhà nước sẽ hút tiền về bằng việc bán đứt tín phiếu. Khi đó, tiền sẽ chảy về Ngân hàng Nhà nước, hệ thống giảm sự dư thừa tiền, lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng trở lại vào vùng mục tiêu.

– Sau hơn 2 năm đóng băng kênh tín phiếu, động thái bán 200 tỷ tín phiếu kỳ hạn 7 ngày của Ngân hàng Nhà nước mặc dù con số là khiêm tốn, tuy nhiên 1 phần nào đó đã thể hiện Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu hành động với lãi suất.

3. KÊNH CỔ PHIẾU

Cổ phiếu tiêu điểm ( TNG, GIL,GAS, AAA)

Dệt may TNG thực hiện 31% mục tiêu lợi nhuận sau 5 tháng.

– TNG  công bố BCTC tháng 5 với doanh thu 667 tỷ đồng (+42% yoy). Biên lãi gộp cải thiện nhẹ từ 13,48% lên 15,67%.

– Lũy kế 5 tháng, công ty ghi nhận 2.482 tỷ đồng doanh thu (+42% yoy); lãi sau thuế 87 tỷ đồng (+58% yoy).

– Kế hoạch 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.990 tỷ đồng (+10% yoy), lãi sau thuế 279 tỷ đồng (+20,2% yoy). Như vậy, hết tháng 5, doanh nghiệp thực hiện được 41,3% kế hoạch doanh thu và 31% mục tiêu lợi nhuận năm.

– Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã đủ đơn hàng đến tháng 8. Doanh thu 6 tháng ước hơn 3.200 tỷ đồng, tăng 35% và lợi nhuận tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước.

– Ban lãnh đạo TNG tự tin hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh năm. Theo chu kỳ kinh doanh, quý I là giai đoạn thấp điểm lợi nhuận và quý III là giai đoạn cao điểm của Dệt may TNG.

Khuyến nghị:

– TNG là một trong những nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất tại Việt Nam. TNG sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường may mặc toàn cầu và chuỗi cung ứng sau dịch COVID-19.

– Trong năm 2022, TNG kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận đột biến từ KCN Sơn Cẩm (quy mô 70,58 ha, có diện tích thương mại là 52,5 ha) dự kiến đóng góp khoảng hơn 600 tỷ đồng doanh thu và khoảng 100 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

– Dự báo TNG sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh trong năm nay, LNST 2022 đạt 400 tỷ đồng ~ tương đương với P/Efw 2022 là 8 lần.

Phân tích kỹ thuật:

– TNG kết tuần 20-24/6 ghi nhận giảm 7,17% so với tuần trước, cổ phiếu đang dao động với biên độ giá thu hẹp dần quanh 29.8-31 +/-.

– Sau 4 phiên nỗ lực TNG vẫn đóng cửa ở mức giá nằm dưới MA100, tương ứng với vùng giá quanh 30.3+/-. Đây sẽ là tham chiếu quan trọng để quan sát liệu TNG có duy trì được xu hướng tăng trong trung – dài hạn.

– Nhà đầu tư ưu tiên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, xử lý nếu cổ phiếu phá vỡ hỗ trợ mạnh của xu hướng tăng dài hạn là quanh 28-5-29 +/-.

GIL công bố nghị quyết và biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

– Năm 2022, GIL đặt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng (-4% yoy) và LNST đạt 250 tỷ đồng (-24.3% yoy).

– Dù đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi nhưng GIL lại có kết quả kinh doanh quý 1/2022 khả quan. Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 1,417 tỷ đồng (+64% yoy), LNST đạt 107 tỷ đồng (+51% yoy).

– GIL dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25%, trong đó 10% được trả bằng tiền mặt và 15% còn lại được trả bằng cổ phiếu. Năm 2022, tỷ lệ cổ tức dự kiến dao động từ 15-30%.

– GIL sẽ sử dụng 3.500 tỷ đồng cho đầu tư, trong đó 1.500 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; và 2.000 tỷ đồng được huy động thông qua vay ngân hàng. Ngoài ra, GIL dự kiến phát hành tối đa 1 triệu trái phiếu không chuyển đổi với giá 100.000 đồng/trái phiếu. Nếu phát hành thành công, GIL có thể huy động được tối đa 100 tỷ đồng để đấy mạnh bất động sản KCN.

Khuyến nghị:

– GIL là doanh nghiệp dệt may với 2 đối tác chủ yếu là Amazon và IKEA.

– GIL đang có 38 dây chuyền may ở hai nhà máy Bình Thạnh & Thạnh Mỹ, cùng hệ thống gia công với 120 dây chuyền khác. Mục tiêu năm 2022 GIL sẽ đẩy mạnh nâng dây chuyền nội bộ lên mức 41 và gia công lên mức 237 dây chuyền.

– Năm 2022, GIL dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu đến từ khu công nghiệp Phú Bài với diện tích 460.9ha bắt đầu từ quý 4.2022.

– Dự báo LNST 2022 đạt 450 tỷ VND (+36% yoy) –tương đương P/E ở mức 7.2 lần.

Phân tích kỹ thuật

– 2 phiên cuối tuần phục hồi đã giúp thu hẹp đà giảm theo tuần của GIL, cổ phiếu ghi nhận giảm 11,8% trong tuần 20-24/06

– 2 phiên cuối tuần GIL phục hồi sau khi chạm về vùng quá bán, cổ phiếu vẫn còn cách khá xa so với các kháng cự hỗ trợ cho xu hướng tăng trong trung – dài hạn do đó sẽ cần nhiều thời gian để hấp thụ lượng cung lớn đang tồn đọng. Nhà đầu tư chưa nên mở mới vị thế đối với GIL.

– Kịch bản tích cực nhất là cổ phiếu sẽ tiến về vùng kháng cự mạnh quanh 59.6 – 60 +/- trong tuần. Tại đây các nhà đầu tư có thể tiếp tục quan sát diễn biến của cổ phiếu để quyết định xem có nên tiếp tục nắm giữ.

GAS công bố kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2022.

– Tổng kết 6 tháng, các chỉ tiêu tài chính của PV GAS vượt kế hoạch từ 34-87%, tăng 34-59% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Tổng doanh thu đạt 54.560,6 tỷ đồng vượt 34% kế hoạch 6 tháng và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 8.676,7 tỷ đồng, vượt 87% kế hoạch 6 tháng và tăng 56% svck. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.919,5 tỷ đồng, vượt 87% kế hoạch 6 tháng và tăng 59% svck.

– Kế hoạch 2022, doanh thu đạt 80 nghìn tỷ đồng (+1,3% yoy) và 7.039 tỷ đồng lợi nhuận ròng (-20,5% yoy) dựa trên giả định giá dầu Brent là 60 USD/thùng, theo chúng tôi là quá thận trọng. Tính từ đầu năm, giá dầu Brent bình quân ở mức 101 USD/thùng.

– GAS chốt quyền trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 30% (tỷ suất cổ tức là 2.6%). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 04/07/2022, ngày thanh toán dự tính là 03/10/2022. Năm 2022, công ty đặt kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt là 25%.

Khuyến nghị:

– Triển vọng dài hạn của GAS khá tích cực, giai đoạn 2022-2025, GAS tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư gồm: Kho cảng LNG Thị Vải 1 triệu tấn năm 2022; đường ống thu gom khí Sư Tử Trắng giai đoạn 2B năm 2024; Mở rộng, nâng cấp Kho LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn năm 2023/2024; Kho cảng LNG Sơn Mỹ giai đoạn1; Đặc biệt là dự án đường ống Lô B-Ô Môn dự kiến có quyết định đầu tư cuối cùngT7/2022 và đón dòng khí đầu tiên sẽ về Ô Môn vào quí 4-2025. GAS với tư cách là nhà đầu tư chính của đường ống Lô B – Ô Môn (chiếm 51% cổ phần đường ống) sẽ được hưởng lợi nhờ nguồn khí bổ sung từ Lô B và cước phí vận chuyển khí.

– GAS đang giao dịch tương ứng với P/Efw 2022 đạt 18.9x (LNST dự báo 11.5 nghìn tỷ đồng), phù hợp với vị thế một doanh nghiệp số 1 ngành khí Việt Nam

Phân tích kỹ thuật:

– GAS giảm 14,93% trong tuần giao dịch 20-24/06, lấy lại toàn bộ thành tích tăng điểm của tuần trước.

– Đà giảm điểm của GAS trong phiên Thứ Sáu (24/06) đã thu hẹp lại khi chạm về MA100 cho thấy tại đây vẫn đang có lực đỡ để cổ phiếu duy trì xu hướng tăng trong trung-dài hạn. Tuy nhiên, GAS đã tạo mô hình 2 đỉnh do đó chúng ta không thể loại trừ rủi ro cổ phiếu tiếp tục giảm điểm trong tuần này. Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sát diễn biến của cổ phiếu GAS và thực hiện dừng lỗ khi cổ phiếu vi phạm ngưỡng cutloss.

– Hỗ trợ mạnh quanh 109.4+/- tương ứng với MA200 là hỗ trợ cho xu hướng tăng dài hạn của GAS, nếu cổ phiếu cho thấy dấu hiệu dừng lại đà giảm điểm và cân bằng tại vùng này, nhà đầu tư có thể tiến hành giải ngân.

AAA công bố nghị quyết và biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

– Năm 2022, AAA đặt kế hoạch kinh doanh như sau: doanh thu 14.100 tỷ đồng (+7.3% yoy) LNST hợp nhất 527 tỷ đồng (+62.6% yoy). Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 là 10% mệnh giá.

– Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ: (1) Mảng BĐS KCN nhờ vào khai thác mới KCN An Phát 1, (2) tăng tỷ trọng đóng góp của bao bì công nghiệp và bao bì tự hủy có biên lợi nhuận cao (3) giảm chi phí vận tải và các chi phí phòng chống dịch bệnh COVID-19.

– Quý I/2022, AAA ghi nhận doanh thu đạt 4.027,68 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 96,49 tỷ đồng, lần lượt tăng 76,4% và 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý biên lợi nhuận ròng giảm mạnh từ 3,9% về chỉ còn 2,4%.

– Công ty mẹ của AAA là An Phat Holdings đang phát triển một nhà máy sản xuất nguyên vật liệu polybutyrate adipate terephthalate (PBAT) và dự kiến đưa nhà máy này vào hoạt động vào năm 2024. Nhà máy sẽ đáp ứng 100% nhu cầu nguyên liệu nhựa tự hủy của AAA.

Khuyến nghị:

– AAA có quy mô lớn nhất trong các doanh nghiệp nhựa bao bì Việt Nam với tổng công suất lên tới 120 ngàn tấn/năm.

– Từ năm 2018, AAA đã đưa ra dòng sản phẩm sản xuất từ các vật liệu sinh học và có khả năng phân hủy 100% trong thời gian từ 6 đến 12 tháng. Đây là sản phẩm trọng tâm phát triển trong giai đoạn tới kỳ vọng đóng góp 50% tỷ trọng doanh thu mảng bao bì từ năm 2024.

– Dự báo công ty có thể hoàn thành mục tiêu LNST đặt ra 527 tỷ đồng nhờ triển vọng tích cực đối với các nhà máy sản xuất nhựa Việt Nam trong năm 2022 và đóng góp lợi nhuận từ KCN An Phát 1 – dự kiến đi vào hoạt động từ quý 3/2022. PEfw22 là 7.3 lần.

– Rủi ro: (1) Biến động giá nguyên vật liệu hạt nhựa, (2) pha loãng cổ phiếu.

Phân tích kỹ thuật:

– Các phiên trong tuần của AAA có sự phục hồi tích cực sau phiên Thứ Hai (20/06) cổ phiếu chạm về vùng quá bán, kết tuần ghi nhận tăng 7,27% so với tuần trước

– AAA vẫn đang nằm nằm trong xu hướng giảm dài hạn, kịch bản tích cực nhất là cổ phiếu đang bắt đầu tạo đáy quanh vùng 11-12 +/-. Tuy nhiên, cổ phiếu sẽ cần nhiều thời gian để tích lũy và lấy lại xu hướng tăng khi lượng cung cần xử lý đang quá lớn. Hành động phù hợp đối với AAA là tận dụng các nhịp phục hồi để thoát vị thế và đảm bảo tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục không quá 20%.

– Kịch bản tích cực là cổ phiếu sẽ lấy lại kháng cự mạnh quanh 12.2 +/- và đi ngang trong vùng 12.2 – 12.8 +/- trong tuần này.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

Một số giá hàng hóa và chỉ số quan trọng

– Vàng (phải) phục hồi nhẹ trong phiên Thứ Sáu (24/06) giúp thu hẹp đà giảm theo tuần còn 0,72%, về mức 1.826,2 USD/t.oz. Giá vàng ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp, phản ánh lo ngại các đợt tăng lãi suất từ các NHTW lớn sẽ tiếp tục diễn ra để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, chỉ số Dollar (trái) giảm nhẹ 0,07% trong tuần này về 104,11 điểm, giảm 1,3% từ đỉnh được tạo vào ngày 14/06, đồng USD giảm điểm trong ngày 22-23/06 khi Mỹ công bố doanh số bán nhà giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 5.

– Giá khí đốt tự nhiên của EU tăng 9,14% trong tuần vừa qua lên mức 128,5 EUR/MWh, trong bối cảnh (1) Đức cảnh báo về sự sụp đổ thị trường khí đốt. Nước này đã ban hành giai đoạn thứ hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp, bao gồm việc giám sát chặt chẽ hơn thị trường và kích hoạt lại các nhà máy đốt than. (2) Rủi ro nguồn cung từ Gazprom tiếp tục giảm (3) Kỳ vọng sản lượng nhập khẩu LNG từ Mỹ thấp hơn sau khi một vụ nổ khiến Freeport LNG (cơ sở LNG lớn thứ 7 thế giới và lớn thứ 2 của Mỹ) không thể hoạt động trong ít nhất 3 tháng.

– Giá thép giảm 5,51% trong tuần vừa rồi xuống mức 4301 NDT/tấn, giảm tuần thứ 6 liên tiếp và giảm 17,4% so với mức đỉnh đầu tháng 5 trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục yếu kết hợp với tồn kho tăng. Nhu cầu sản xuất suy giảm do lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu và dịch bệnh ở Trung Quốc chưa thấy dấu hiệu chấm dứt. Mặt khác, tồn kho tăng đến từ việc các nhà máy đã xây dựng lại kho dự trữ sau những gián đoạn gây ra bởi chiến tranh Nga-Ukraine.

– Chỉ số BDI giảm 9,58% trong tuần vừa qua về 2.331 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 14/06, trong bối cảnh nhu cầu và hoạt động đều sụt giảm ở tất cả các phân khúc tàu.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0