Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast ngày 15.06.2022 – Mỹ âm thầm mua phân bón của Nga

Nhận định Thị trường hàng ngày 15/06/2022    506

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ  

  • Mỹ âm thầm mua phân bón của Nga 

– Theo Bloomberg, Mỹ đã bí mật thúc giục các công ty nông nghiệp và vận tải biển của nước này tăng cường mua phân bón từ Nga, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt khiến nguồn cung giảm mạnh. 

– Sau các lệnh trừng phạt liên tiếp, Mỹ và EU áp dụng biện pháp miễn trừ để cho phép mua bán phân bón, khi Nga là một nhà cung cấp lớn của thế giới. Nhưng nhiều hãng vận tải biển, ngân hàng và bảo hiểm không muốn tham gia hoạt động này vì sợ có thể vi phạm trừng phạt. Xuất khẩu phân bón của Nga đã giảm 24% từ đầu năm đến nay. Bất ngờ vì thái độ thận trọng đó, giới chức Mỹ giờ đây đang tìm cách thúc đẩy việc mua phân bón. 

– Nỗ lực này cho thấy những thách thức mà Washington và các đồng minh đang phải đối mặt khi muốn gây sức ép lên Mátxcơva, trong khi cũng muốn hạn chế tác hại lên nền kinh tế toàn cầu vốn phụ thuộc nhiều vào khí tự nhiên, dầu mỏ, phân bón và ngũ cốc của Nga. Giá các mặt hàng này đã tăng vọt từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2. 

– Washington đã cử đại diện dự các cuộc đối thoại cho Liên Hợp Quốc chủ trì tại Mátxcơva trong tháng này để bàn về nguồn cung, những người nắm được tình hình cho biết. Lượng phân bón thiếu hụt trong năm nay cũng có thể ảnh hưởng đến cả vụ mùa của năm sau. 

 

  • Thiếu nguồn dầu khí giá rẻ của Nga khiến nhiều nhà máy châu Âu phải đóng cửa 

– Nhiều nhà máy, công xưởng đang chạy đua tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế, khi lo ngại Mátxcơva có thể bất chợt đóng van khí đốt, gây ra tình trạng ngừng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng, luân phiên. Năm 2021, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU). 

– Trong đó, các nhà máy hóa chất, phân bón, sắt thép và cơ sở sản xuất những mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng chịu sức ép lớn nhất trong suốt 8 tháng qua. Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom (Nga) đã cắt nguồn cung khí đốt sang Bulgaria, Phần Lan và Ba Lan sau khi các nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp.  

– Bước tiết giảm sản xuất của các ngành công nghiệp “khát” năng lượng giúp giảm áp lực ngắn hạn với nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, giải phóng nhiều khí đốt hơn để châu Âu sản xuất điện và sưởi ấm cho các hộ gia đình trong mùa đông tới. 

– Các nhà sản xuất phân bón khác đã quyết định đóng cửa các nhà máy không thể nhập khẩu amoniac từ nước ngoài do nó chiếm khoảng 70% lượng khí đốt mà giá khí đốt ở châu Âu đang cao gấp 3 lần so với ở Mỹ. 

– Các nhà sản xuất thép châu Âu đã giảm sản lượng kể từ tháng 10 để tiết kiệm tiền cho khí đốt và điện bởi vào tháng 3, giá điện ở Tây Ban Nha tăng vọt đã khiến các nhà sản xuất thép trong nước phải giảm sản lượng hoặc đóng cửa hoàn toàn. 

– Nếu Nga ngừng dòng khí đốt sang Đức, nước này sẽ ưu tiên nguồn cung cho các hộ gia đình cũng như các dịch vụ quan trọng như bệnh viện, đồn cảnh sát và doanh trại quân đội. Trong khi, các nhà sản xuất công nghiệp lớn có thể phải đối mặt với tình trạng đứt gãy nguồn cung, sử dụng khí đốt luân phiên, khiến hàng nghìn việc làm gặp rủi ro. 

 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM  

  • Nhập khẩu vẫn tăng, xuất khẩu thu hẹp mức giảm so với ước tính 

– Theo Tổng cục Hải quan cập nhật, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 5 vừa qua vẫn tăng trưởng nhẹ thay vì ước tính giảm; kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm nhưng mức độ giảm nhẹ hơn. 

– Về tổng quan, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 63,53 tỷ USD, giảm 3,4% so với tháng 4/2022. Luỹ kế đến hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 306,14 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 42,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. 

– Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 211,43 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 27,95 tỷ USD); giá trị xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 94,73 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 14,25 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. 

– Về xuất khẩu, tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt 30,92 tỷ USD, giảm 7,2% so với tháng 4/2022. Luỹ kế đến hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 153,29 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

– Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt 32,62 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước đó. Luỹ kế đến hết ngày 31/5, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 152,86 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021. 

 

  • World Bank: Thận trọng với rủi ro lạm phát do giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng 

– World Bank vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6. Trong đó ghi nhận sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc, ở mức hơn 10% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 5 tháng cũng tăng gần 23% so cùng kỳ 2021. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước. 

– Doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng hơn 18% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lữ hành cũng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng nhập khẩu đi ngang, vốn FDI đăng ký trong tháng 5 đạt 879 triệu USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 và thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. 

– Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng từ 2,6% trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5, chủ yếu do giá xăng dầu tăng. Tín dụng tăng trưởng ở mức gần 17% trong khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm mạnh từ hơn 1,7% tại thời điểm cuối tháng 4 xuống chỉ còn 0,33% vào cuối tháng 5. Nhờ tổng cầu trong nước hồi phục mạnh mẽ nên tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 5 đã tăng khoảng hơn 29%, giúp ngân sách Nhà nước duy trì bội thu tháng thứ 5 liên tiếp. Chính phủ không vay nợ nhiều trên thị trường trong nước, với khối lượng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh phát hành trong 5 tháng đạt hơn 14% kế hoạch. 

– Theo đó, World Bank nhận định kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc. 

– Song World Bank cũng khuyến nghị Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng và Chính phủ nên khuyến khích gia tăng sản xuất để tránh phụ thuộc nhiều vào các nước khác. 

 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT  

  • ANV: Xuất khẩu thuỷ sản cả nước khởi sắc, Nam Việt đặt kế hoạch lãi 1.000 tỷ 

– Công ty cổ phần Nam Việt (Mã cổ phiếu: ANV) đặt mục tiêu năm 2022 với doanh thu 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận 1.000 tỷ đồng – gấp 6,6 lần năm ngoái. Chỉ tiêu lớn của ANV đặt ra trong bối cảnh toàn ngành có cơ hội lớn và đang đến chu kỳ bứt phá kim ngạch xuất khẩu. 

– Quý 1/2022, ANV ghi nhận lãi ròng hơn 206 tỷ đồng, tăng 3,2 lần cùng kỳ nhờ giá thủy sản xuất khẩu sang các thị trường tăng mạnh 40 – 70%. Riêng tháng 3, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 1 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá tra tăng 88% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 654 triệu USD, chiếm 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. 

– ANV đặt mục tiêu tiếp tục áp dụng công nghệ cao để tự chủ về con giống cá tra chất lượng cao, đầu tư sản xuất Colagen và Genlatin, công suất 780 tấn/năm (dự kiến tháng 7/2022 hoàn thành và đưa vào sử dụng). Bên cạnh đó, ANV cũng đã bắt đầu triển khai một số dự án liên quan tới bất động sản, sản xuất phân bón hữa cơ và đầu tư điện năng lượng mặt trời trong thời gian tới.  

– Nhìn chung, với những kế hoạch và dự án đang được triển khai thì việc ANV điều chỉnh doanh thu, lợi nhuận dự kiến cao hơn so với ban đầu là điều vô cùng hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được trong năm 2022. 

 

  • NLG: Doanh số 5 tháng đầu năm đã đạt 7,800 tỷ đồng, sắp nhận ngàn tỷ từ IFC 

– Theo báo cáo của Nam Long, chỉ riêng tháng 5, doanh số của tập đoàn đạt 2,000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các sản phẩm dinh thự/villa của Waterpoint và The Mizuki. Như vậy, lũy kế 5 tháng đầu năm nay, tổng doanh số NLG ước đạt trên 7,800 tỷ đồng, thực hiện khoảng gần 35% chỉ tiêu doanh số đã đề ra trong năm 2022.  

– Được biết, trong năm 2022, NLG lên kế hoạch doanh số bán hàng đạt trên 23,000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với doanh số đạt được năm 2021 là 5,927 tỷ đồng, doanh thu 7,151 tỷ đồng tăng 37% và lãi ròng lần đầu tiên vượt mốc ngàn tỷ, đạt 1,206 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021. 

– Theo Nam Long, trong tháng 7/2022, Công ty sẽ mở bán 800 căn thuộc giai đoạn 2 dự án Akari và 60 căn biệt thự thuộc dự án Waterpoint, uớc tính tổng giá trị đạt khoảng 3,700 tỷ đồng. Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý là hiện Tập đoàn đã hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị nhận giải ngân 1,000 tỷ đồng từ International Finance Corporation (IFC). 

– Trước đó, IFC – một thành viên thuộc World Bank, thông báo sẽ mua 1,000 tỷ đồng trái phiếu do Nam Long phát hành. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa là 7 năm, tài sản đảm bảo gồm cổ phần của NLG tại công ty con Nam Long VCD và công ty liên doanh NNH Mizuki. Số tiền thu được sẽ đầu tư cho giai đoạn hai của dự án nhà ở Waterpoint. 

– Khoản đầu tư của IFC sẽ nâng cao năng lực của chúng tôi để cung cấp thêm nhiều nhà ở cho nhóm dân số có thu nhập trung bình đang ngày càng mở rộng tại Việt Nam và giúp giải quyết tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng của Việt Nam một cách bền vững 

 4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 14/06/2022, chỉ số VNINDEX trong phiên sáng tiếp tục tạo GAP tuột dốc xuống mốc 1.213 điểm. Sau đó sang phiên chiều ghi nhận nỗ lực hồi phục lấp Gap. Kết phiên, chỉ số VNINDEX đóng cửa trong vùng hỗ trợ tại 1.230,31 điểm, tăng 3,27 điểm (+0,27%)   

– Về độ rộng thị trường, phe bán vẫn chiếm ưu thế tuy nhiên đã bớt bán tháo so với hôm qua khi ghi nhận 288 mã giảm/173 mã tăng. Số mã giảm nay chỉ chiếm hơn 56% trên sàn HOSE. Mặc dù kết phiên tăng điểm nhưng thanh khoản lại ở mức thấp, đạt 14.515,843 tỷ đồng.  

– Đóng góp nhiều nhất cho đà tăng điểm của chỉ số tiêu biểu là cổ phiếu trụ GAS (+3,37 điểm), tiếp sau là các mã VCB, FPT và MWG có mức tăng gần 0,7 điểm. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu làm chỉ số giảm điểm là HPG (-1,722 điểm), MSN (-0,982 điểm) và VIB (-0,658 điểm)   

– Phiên hôm nay đã có sự cải thiện tích cực hơn với 4/10 nhóm ngành tăng điểm. Đó là ngành Năng lượng, Tiêu dùng, Dịch vụ tiện ích và Chăm sóc sức khỏe với mức tăng gần 3%. Ngành nguyên vật liệu tiếp tục giảm 2,99%. Các nhóm ngành còn lại có mức giảm dưới 1%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn là Tài chính 2.864 tỷ đồng, Nguyên vật liệu đạt 2.346 tỷ đồng và Công nghiệp đạt 2.187 tỷ đồng.  

– Đối ngược với phiên hôm qua, khối ngoại trong phiên hôm nay đã mua ròng với giá trị đạt 311,65 tỷ đồng, tập trung vào các mã GAS (54,28 tỷ đồng), BSR (52,1 tỷ đồng) và HPG (50,16 tỷ đồng). Chiều bán ròng là các mã IDP (-63,41 tỷ đồng), PNJ (-28,4 tỷ đồng) và NVL (-24,45 tỷ đồng).   

– Phiên giao dịch ngày hôm được coi là phiên ‘tăng điểm trong nghi ngờ” khi thanh khoản ở mức thấp bởi tâm lý nhà đầu tư đã bớt hoang mang nhưng vẫn thận trọng trong giao dịch. Điểm chú ý nhất đấy là việc ngành thép giảm mạnh nhất với các mã cổ phiếu như HSG (-7%), NKG (-5,7%) và HPG (-4,7%). HPG đóng cửa ở mức giá 30.300đ/ cổ phiếu, mức thấp nhất mà HPG ghi nhận kể từ tháng 2/2021. Khả năng trong các phiên tới VNINDEX sẽ dao động trong vùng hỗ trợ 1.200 – 1.250 điểm nếu lực cầu không đủ mạnh để kéo chỉ số lên những vùng điểm cao hơn. Thời điểm này, nhà đầu tư hạn chế giải ngân mua mới, hãy chờ đợi thị trường cùng các mã cổ phiếu ổn định cùng tín hiệu xác nhận đà giảm đã kết thúc để có được điểm tham gia an toàn.   

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0