Hợp tác cùng phát triển

Dcall Podcast ngày 13.07.2022 – Đồng Euro giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm

Nhận định Thị trường hàng ngày 13/07/2022    549

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 13/07/2022

1.THÔNG TIN VĨ MÔ

Đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm 

– Euro đang dao động quanh mức 1.004 USD trong ngày 12/07, giảm 12% so với đầu năm. Nỗi sợ suy thoái tại châu Âu dâng cao trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh và châu Âu khủng hoảng nguồn cung năng lượng vì cuộc chiến Nga-Ukraine. 

– Vốn nhập gần 40% lượng khí gas thông qua các ống dẫn từ Nga trước đây, Liên minh Châu Âu (EU) đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu khí Nga. Cùng lúc đó, Moscow đang chặn cung ứng nguồn cung khí gas tới một số quốc gia châu Âu và gần đây đã cắt 60% nguồn cung năng lượng tới Đức thông qua đường ống dẫn Nord Stream. 

– Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011 trong cuộc họp tháng 7, khi lạm phát Eurozone ở mức 8.6%. 

– Hàng loạt đợt nâng lãi suất quyết liệt của các Ngân hàng Trung ương, bao gồm cả Fed, cùng với sự giảm tốc kinh tế sẽ gây áp lực lên đồng Euro. Trong khi đó, nhà đầu tư đang tìm tới đồng USD như kênh trú ẩn an toàn, theo các chuyên viên phân tích. 

– Đồng Euro giảm giá mạnh hướng đến ngưỡng ngang giá với đồng USD đã đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thế khó, khiến các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này chỉ còn những lựa chọn gây tác động lớn đến nền kinh tế. Việc để đồng Euro xuống giá sẽ khiến lạm phát tăng dù đã ở mức cao kỷ lục, từ đó làm tăng nguy cơ kéo dài tình trạng lạm phát cao vượt mục tiêu 2%. Tuy nhiên, để nâng giá trị đồng Euro đi lên từ mức thấp kỷ lục trong 20 năm sẽ đòi hỏi lãi suất phải tăng nhanh hơn, với những tác động lớn hơn đến nền kinh tế vốn đã đối mặt với nguy cơ suy thoái. 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

Doanh nghiệp BĐS huy động hơn 42.500 tỷ đồng trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 

– Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 1/7, có 44 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6 với tổng giá trị 30.120 tỷ đồng. Trong đó, đứng thứ ba là nhóm doanh nghiệp bất động sản với hơn 1.200 tỷ đồng. 

– Hiện nhóm ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị 80.466 tỷ đồng, tương đương 48.9% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 42.583 tỷ đồng, chiếm gần 26%. Trong đó, CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc Nova phát hành nhiều nhất (9.857 tỷ đồng), tiếp theo là CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm ngoái (gần 62.000 tỷ đồng), giá trị trái phiếu phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản giảm hơn 19.000 tỷ đồng. 

– Do bị siết dòng tiền huy động từ trái phiếu nên nhóm bất động sản niêm yết đang tập trung đẩy mạnh hoạt động bán hàng để cải thiện dòng tiền. Điều này được thể hiện qua doanh số ký bán mới tăng mạnh trong đầu năm 2022 ở một số doanh nghiệp như VHM (16.500 tỷ đồng), NVL (28.000 tỷ đồng), NLG (7.880 tỷ đồng) và DXG (400 tỷ đồng,…) 

– Ngoài ra việc, các doanh nghiệp BĐS còn đa dạng nguồn vốn bằng cách tiếp cận các kênh mới như quỹ đầu tư, M&A và liên doanh quốc tế thông qua chào bán trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền cho các đối tác nước ngoài. 

– Tuy nhiên tình hình hoạt động ở nhóm bất động sản niêm yết nói riêng và lĩnh vực bất động sản nói chung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong hai quý cuối năm khi dòng tiền vào lĩnh vực này bị siết chặt cả từ kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp và dòng vốn tín dụng. 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

SeABank đạt 2,806 tỷ đồng lợi nhuận quý 2/2022, vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 

– Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – SeABank (Mã chứng khoán: SSB) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 2,806 tỷ đồng, tăng trưởng 180% so với cùng kỳ năm 2021, thực hiện 115% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022. 

– Trong 6 tháng đầu năm 2022, SeABank đã phát hành 211.4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12.7%) để trả cổ tức và phát hành thêm 109.7 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6.6%) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thông qua 2 đợt phát hành này, vốn điều lệ của SeABank tăng thêm 3,211 tỷ đồng, từ 16,598 tỷ đồng lên 19,809 tỷ đồng. 

– SeABank 4 năm liên tiếp (2019-2022) được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s xếp hạng tín nhiệm dài hạn mức B1 với triển vọng phát triển Tích cực. Trong kỳ xếp hạng năm 2022, Moody’s cũng đã nâng mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của SeABank lên mức B1, SSB trở thành một trong những ngân hàng tiên phong triển khai áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel III. Việc này phản ánh sự cải thiện rõ rệt sức mạnh nội tại của SeABank về chất lượng tài sản, khả năng sinh lời và nguồn vốn. 

Hóa chất Đức Giang sắp phát hành 8,5 triệu cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cp 

– CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã chứng khoán: DGC) vừa công bố phương án phát hành 8,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương ứng tỷ lệ phát hành là 2,303% số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cp, bằng 1/10 thị giá cổ phiếu DGC hiện tại thuộc vùng 98.000 đồng/cp. Số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ thời điểm phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến là quý III/2022. 

– Bức tranh kinh doanh của DGC ngày càng khởi sắc với mức tăng trưởng lợi nhuận hằng năm đều trên hai chữ số. Đặc biệt, năm 2018, nhờ sáp nhập CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai nên doanh thu tăng lên 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận tăng lên hơn 900 tỷ, lần lướt gấp 10 lần và 5 lần năm trước đó. 

– Riêng giai đoạn 2020 – 2021 kết quả tăng trưởng thần tốc trong bối cảnh thế giới thiếu hụt phốt pho vàng, khối tài sản của DGC cũng tăng mạnh từ 5.800 tỷ năm lên 8.500 tỷ đồng cuối năm 2021. 

– Tuy nhiên, chi phí đầu vào khi giá khí và cước vận chuyển gia tăng trong thời gian gần đây sẽ gây áp lực dần lên biên lợi nhuận doanh nghiệp khi giá phân bón đang dần hạ nhiệt. 

Chuỗi Bách Hóa Xanh giảm 168 cửa hàng trong hơn 2 tháng 

– Theo cập nhật trên website, tính đến 12/7, chuỗi thực phẩm hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh (BHX) của Đầu tư Thế Giới Di Động có 1.972 cửa hàng, giảm 132 cửa hàng so với cuối tháng 5 và giảm 168 cửa hàng so với cuối tháng 4. 

– Nguyên nhân là Chuỗi BHX đang trải qua đợt tái cấu trúc lớn để hướng tới IPO và chuẩn bị cho chiến lược mở rộng “thần tốc” từ 2023. Cụ thể, trong năm 2022 sẽ tạm ngưng mở mới để tập trung cải thiện quản trị, tăng trải nghiệm khách hàng, chất lượng dịch vụ thu hút người dùng và tối ưu nền tảng quản trị back-end (hỗ trợ hoạt động website hoặc ứng dụng) bằng hệ thống tự động. 

– Trong báo cáo tháng 5, lũy kế 5 tháng đầu năm, chuỗi mang về 10.500 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 17,7% tỷ trọng toàn toàn công ty. Doanh nghiệp cho biết sẽ rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng triển khai diện rộng việc thay đổi sắp xếp cửa hàng, tiện lợi và thân thiện hơn. Hiện thay đổi được gần 50% trong tổng số 2.104 cửa hàng và đặt mục tiêu trong quý III thay đổi sắp xếp toàn bộ cửa hàng hiện hữu.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch ngày 12/07/2022, chỉ số VNINDEX đầu phiên sáng có sự giằng co nhẹ quanh mốc điểm tham chiếu, ngay sau đó chỉ số đã có sự hồi phục tích cực. Kết phiên, VNINDEX hồi phục manh, đóng cửa ở mốc 1.174,82 điểm, tăng 19,53 điểm (+1,69%). 

– Về độ rộng thị trường, phe mua quay trở lại chiếm ưu thế, có 362 mã tăng/97 số mã giảm. Số mã tăng chiếm gần 70% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản phiên giao dịch hôm qua gần tương đương với phiên trước đó, đạt 10.662,918 tỷ đồng.   

– Đóng góp cho đà tăng điểm chỉ số VNINDEX đến từ nhóm cổ phiếu vốn trụ như BID (+2,481 điểm), GAS (+2,025 điểm) và GVR (+1,497 điểm). Chiều giảm điểm đến có VHM, VJC và MSN với mức giảm dưới 0,3 điểm.  

– Phiên hôm qua ghi nhận sự tăng điểm cả 10 nhóm ngành. Hồi phục tốt nhất là nhóm ngành Năng lượng (+4,23%), tiếp đến là Công nghiệp và Dịch vụ tiện tích với mức tăng quanh 3%. Các nhóm ngành còn lại có mức tăng dưới 2%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (2.267 tỷ đồng), Công nghiệp (1.974 tỷ đồng) và Bất động sản (1.540 tỷ đồng).   

– Trong một phiên hồi phục của VNINDEX, khối ngoại đã bán ròng với giá trị 283,23 tỷ đồng. Tập trung vào các mã VHM (-86,64 tỷ đồng), VCB (-42,7 tỷ đồng) và CTG (-40,42 tỷ đồng).  Chiều mua ròng có STB (+25,14 tỷ đồng), VNM (+22,18 tỷ đồng) và KBC (+21,26 tỷ đồng).   

– VNINDEX hiện đã vượt trở lại vùng hỗ trợ quanh mốc 1.160 điểm sau cú mở gap giảm hôm trước của thị trường. Chúng ta có thể kỳ vọng chỉ số sẽ đi ngang tích lũy trong biên độ hẹp quanh 1.160 điểm để tích lũy và hấp thụ lực bán còn lại. Nhà đầu tư cân nhắc hạ tỷ trọng với những mã cổ phiếu có nhịp hồi phục nhưng lực cầu đang yếu dần để tránh rủi ro điều chỉnh giá và hạn chế tham gia vào những mã cổ phiếu có thanh khoản thấp khi chưa có dòng tiền tham gia vào. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0