Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast ngày 11.08.2022 – Lạm phát tháng 7 của Mỹ thấp hơn dự báo

Nhận định Thị trường hàng ngày 11/08/2022    456

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/08/2022

1. Thông tin thế giới 

Lạm phát tháng 7 của Mỹ thấp hơn dự báo 

– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tại Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn so với dự báo 8,7% của các chuyên gia kinh tế và thấp hơn mức tăng kỷ lục 9,1% ghi nhận trong tháng trước đó, phần nhiều nhờ vào đà suy giảm mạnh của giá xăng trong khoảng hơn một tháng trở lại đây. 

– Thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức phản ứng tích cực sau khi thông tin được công bố. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 2,13% và 2,89%, chỉ số Dow Jones tăng 1,63%. 

– Báo cáo lạm phát mới nhất giúp xoa dịu phần nào áp lực đè nặng lên vai Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) suốt thời gian qua.  

– Phát biểu gần đây của một số quan chức Fed cho thấy cơ quan này có thể tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ ba liên tiếp trong năm nay vào kỳ họp tháng 9 tới. Nhưng sau khi dữ liệu CPI được công bố, nhà đầu tư đang dần nghiêng về phương án Fed tăng lãi suất thêm 0,5%.  

Tổng thống Biden ký luật thúc đẩy chip của Mỹ, cạnh tranh với Trung Quốc 

– Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/8 vừa ký thành luật Chips and Science cung cấp  52,7 tỷ USD trợ cấp cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ để thúc đẩy hoạt động sản xuất chip tại nước này. Theo Nikkei Asia, đây được xem là một trong những đạo luật về công nghiệp táo bạo nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ. 

– Trong số 52 tỷ USD dành cho ngành chip, 39 tỷ USD sẽ được phân bổ cho “các ưu đãi trực tiếp nhằm kích thích sản xuất” để thúc đẩy việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất bán dẫn. Số tiền này sẽ được phân bổ trong 5 năm, với 19 tỷ USD được giải ngân trong năm nay và 5 tỷ USD mỗi năm tới năm 2026. Đạo luật này cũng dành 200 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử. Một trong các yêu cầu nhận được tài trợ là các công ty này phải ngừng mở rộng sản xuất chất bán dẫn tại Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào có liên quan, theo tờ South China Morning Post. 

– Đạo luật Chips and Science nhằm mục đích giảm bớt sự thiếu hụt dai dẳng đã ảnh hưởng đến mọi thứ, từ ô tô, vũ khí, máy giặt và trò chơi điện tử. Hàng ngàn ô tô và xe tải vẫn đậu ở đông nam Michigan để chờ chip vì tình trạng thiếu hụt tiếp tục ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô. 

– Theo các nhà phân tích, đạo luật mới có khả năng sẽ phủ bóng đen lên an ninh chuỗi cung ứng và sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, dù tác động tức thời có thể hạn chế. Tuy nhiên, dù đạo luật trên đánh dấu sự đầu tư mang tính bước ngoặt của Chính phủ Mỹ với ngành chip trong nước, nhưng 52 tỷ USD là số tiền tương đối nhỏ đối với lĩnh vực vốn đòi hỏi đầu tư lớn này. Trong khi đó, Trung Quốc đã dành 150 tỷ USD cho ngành này và xác định chất bán dẫn là ngành công nghiệp chủ chốt trong kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất của mình.  

Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga trong 7 tháng đạt mốc kỷ lục mới 167 tỷ USD 

– 7 tháng đầu năm 2022, thặng dư tài khoản vãng lai – một thước đo dòng chảy thương mại và đầu tư - của Nga đã tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ doanh thu xuất khẩu năng lượng tăng mạnh. 

– Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 7/2022, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga tăng vọt lên 167 tỷ USD, so với chỉ 50 tỷ USD cùng kỳ năm 2021, theo báo cáo sơ bộ được Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) công bố ngày 9/8. 

– Chính phủ Nga chủ yếu dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng – mặt hàng tăng giá mạnh sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2. 

– Ngoài doanh thu xuất khẩu tăng mạnh, một phần nguyên nhân của thặng dư tài khoản vãng lai không lồ là nhập khẩu giảm mạnh do các biện pháp trừng phạt của các quốc gia phương Tây. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

Việt Nam – Điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn 

– Có 2 thông tin quan trọng được công bố trong chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử, một trong những nhân vật quyền lực nhất của “ông lớn” Samsung. Đó là Samsung sẽ đầu tư thêm tại Việt Nam 3,3 tỷ USD trong năm nay, đồng thời chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên. 

– Phó chủ tịch Lee Jae-yong của Samsung khi đó đã tuyên bố rằng, Samsung sẽ là “công ty sản xuất số 1 thế giới trong lĩnh vực phi bộ nhớ vào năm 2030”. Kể từ năm 2019, Samsung đã công bố kế hoạch đầu tư tới 151 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn, nhằm đua tranh với Intel (Mỹ) và TSMC (Đài Loan). 

– Thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này ở thị trường Việt Nam. Intel là ví dụ điển hình nhất. Trong các cuộc tiếp xúc gần đây với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Intel đều khẳng định sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với khoản đầu tư gấp nhiều lần so với trước. 

– Cùng với Intel, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã và đang lên kế hoạch đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Chẳng hạn, Amkor (Hàn Quốc) với kế hoạch 1,6 tỷ USD; Hana Micron (Hàn Quốc) với kế hoạch đầu tư 500 triệu USD tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có Renesas, Applied Micro, Splendid, Sonion…, với quy mô dự án khá nhỏ. 

– Các nhà đầu tư nước ngoài đều có những đánh giá tích cực về Việt Nam. Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài đã cho rằng, vấn đề không chỉ nằm ở dung lượng thị trường, công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực, logistics, mà còn là các chính sách phát triển kinh tế ngành, chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này. Việt Nam cần có sự chuẩn bị mang tính nền tảng hơn. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

SSI: CTCP Chứng khoán SSI hoàn tất phát hành tăng vốn điều lệ lên hơn 14.900 tỷ đồng 

– CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) vừa công bố hoàn tất chào bán cổ phiếu ra công chúng, theo phương án được cổ đông thông qua tại đại hội thường niên 2022. Công ty đã phát hành hơn 496,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 15.000 đồng/cp.   

– Qua đó, vốn điều lệ nâng lên hơn 14.911 tỷ đồng, giữ vững vị trí công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam. 

– Đại diện SSI cho biết việc tăng vốn điều lệ nhằm bổ sung vốn kinh doanh, đặc biệt nâng cao năng lực cho vay giao dịch ký quỹ và năng lực đầu tư. Bên cạnh đó, trong bối cảnh áp lực lãi suất tăng và thị trường chứng khoán có nhiều biến động, việc tăng vốn sẽ củng cố tiềm lực tài chính vững mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. 

BCG: Bamboo Capital dự kiến IPO BCG Land trong quý III và niêm yết vào quý IV 

– Tại hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư chiều ngày 9/8, ông Phạm Minh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital ( HOSE: BCG ) cho biết để đáp ứng nhu cầu vốn lớn cho các dự án năng lượng tái tạo, bất động sản, tài chính và hạ tầng, tập đoàn đã lên kế hoạch huy động vốn từ chào bán cổ phiếu và IPO các công ty con. 

– Cụ thể, ông Tuấn cho biết theo lộ trình, tập đoàn sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 5%, sau đó đến chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và đấu giá cổ phiếu ra công chúng. Sau khi hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của BCG sẽ tăng từ 5.033 tỷ đồng lên khoảng 10.500 tỷ đồng. 

– Đại diện Bamboo Capital cập nhật đã hoàn thiện hồ sơ trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 10% gồm 5% tiền mặt và 5% cổ phiếu. Doanh nghiệp đang trong quá trình chờ UBCK chấp thuận cho phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 5% và kỳ vọng hoàn thành trong quý III. 

– Lãnh đạo Bamboo Capital cũng thông tin thêm, đã hoàn thiện hồ sơ IPO BCG Land và nộp lên UBCK, trong khi hồ sơ IPO BCG Energy đang ở giai đoạn cuối hoàn thiện để có thể nộp UBCK. Theo đó, tập đoàn kỳ vọng có thể triển khai IPO BCG Land trong quý III và tiến tới hoàn thành niêm yết cổ phiếu vào quý IV. 

– Hiện nay, chiến lược phát triển của BCG tập trung vào bất động sản, năng lượng tái tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng, do vậy nhu cầu vốn càng lớn khi tập đoàn càng lớn mạnh. Việc IPO các công ty con sẽ giúp BCG huy động thêm được nguồn vốn để tạo ra thêm được doanh thu, lợi nhuận cũng như thu hút thêm được cổ đông chiến lược cho doanh nghiệp để có thể phát triển lớn mạnh hơn.  

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Phiên giao dịch ngày 10/8/2022, chỉ số VNINDEX giao dịch trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu xuyên suốt cả phiên giao dịch. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa trong sắc đỏ, dừng chân ở mốc 1.256,5 điểm, giảm 2,36 điểm (-0,19%). 

– Về độ rộng thị trường, phe bán nhỉnh hơn khi có 246 mã giảm/210 mã tăng, số mã giảm chiếm khoảng 46% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản giảm nhẹ, đạt 14.392,751 tỷ đồng. 

– Ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số VNINDEX đến từ nhóm cổ phiếu trụ như GAS, VIC, HPG ,CTG,… với tổng mức giảm hơn 1,8 điểm. Ngược lại chiều tăng điểm chỉ số gồm BCM (+0,446 điểm), VHM (+0,44 điểm, HVN (+0,308 điểm). 

– Phiên hôm qua có một nửa số nhóm ngành giảm điểm với biên độ nhỏ, dưới 1% gồm: Tài chính, Nguyên vật liệu, Dịch vụ tiện ích, Công nghệ thông tin và Chăm sóc sức khỏe. Chiều hồi phục có nhóm Năng lượng tăng khá tích cực (+1,79%), còn lại tăng nhẹ dưới 0,5%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn vẫn là Tài chính (3.252 tỷ đồng), Công nghiệp (2.396tỷ đồng) và Bất động sản (gần 2 tỷ đồng). 

– Về diễn biến khối ngoại, phiên hôm qua đã quay lại mua ròng nhưng với giá trị thấp, chỉ đạt hơn 50 tỷ đồng, tập trung vào các quỹ ETF gồm: FUESSVFL (34 tỷ đồng), FUEVFVND (26,34 tỷ đồng). Chiều bán ròng có VNM (-13,66 tỷ đồng), DPM (-11,13 tỷ đồng), LHG (-9,71 tỷ đồng). 

– Chỉ số VNINDEX tiếp tục giao dịch giằng co với biên độ hẹp trong vùng 1.250 – 1.260 điểm trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi những tin tức quan trọng trước khi ra quyết định hành động. Tối hôm qua, thông tin quan trọng thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư là lạm phát tháng 7 của Mỹ đã được công bố, theo đó, nhiều khả năng VNINDEX sẽ có hướng đi rõ ràng hơn trong phiên giao dịch tới. 

———————-