Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast ngày 09.06.2022 – World Bank hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022

Nhận định Thị trường hàng ngày 09/06/2022    539

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ  

  • Nhiều tổ chức kinh tế nâng mạnh dự báo giá dầu thô Brent trong thời gian tới 

– Ngày 8/6, giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 tiếp tục tăng nhẹ 0,41% lên 121,02 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 0,39% lên 119,95 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô Brent đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 31/5; trong khi đó, giá dầu thô WTI chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 13 tuần trở lại đây. 

– Giá dầu thô đang được nâng đỡ nhờ lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Trong khi nguồn cung dầu thô từ Iran ra thị trường quốc tế khó có thể tăng lên nhanh chóng như các kỳ vọng trước đây. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã nới lỏng giãn cách và tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong thời gian tới. 

– Ngân hàng Citi (Hoa Kỳ) đã nâng dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong quý 2/2022 lên thêm 14 USD, đạt 113 USD/thùng, trong quý 3 và quý 4/2022 cũng tăng thêm 12 USD lên mức lần lượt là 99 USD và 85 USD/thùng. Đối với năm 2023, Citi dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 75 USD/thùng, tăng 16 USD so với mức dự báo gần nhất. Trước đó, Citi nhận định nguồn cung dầu thô của Iran ra thị trường quốc tế sẽ gia tăng vào giữa năm nay. 

– Nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Iran được dỡ bỏ, nguồn cung từ Iran sẽ giúp tổng nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng thêm 0,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn đầu và lên tới thêm 1,3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023. Như vậy so với thời điểm bùng nổ xuất khẩu trước đây của Trung Quốc thì tình hình hiện nay đã kém khả quan hơn và cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp tại nước này trong năm 2022. 

 

  • World Bank hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 

– Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu công bố ngày 7/6, World Bank cho rằng nền kinh tế thế giới có thể trải qua giai đoạn giảm tốc mạnh nhất. Sự sụt giảm trên diễn ra khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi lên mức 5,7% trong năm 2021 sau suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra. 

– Nguyên nhân là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá các mặt hàng, trong đó có dầu và ngũ cốc tăng vọt, lạm phát gia tăng khiến thế giới bước vào khủng hoảng. 

– World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế phát triển có thể giảm mạnh xuống còn 2,6% trong năm 2022 và còn 2,2% trong năm 2023, sau khi đạt mức 5,1% trong năm 2021. 

– Trong khi đó, tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng chỉ đạt 3,4% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức 6,6% trong năm 2021, cũng như thấp hơn mức trung bình hằng năm 4,8% trong giai đoạn từ năm 2011-2019. 

– Về tăng trưởng của Mỹ, World Bank hạ dự báo thêm 1,2 điểm phần trăm xuống còn 2,5%, Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xuống còn 2,5% và Nhật Bản còn 1,7%. Còn tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2022 có thể giảm 11,3%. 

– Chủ tịch World Bank David Malpass khẳng định cuộc xung đột ở Ukraine, việc Trung Quốc phong tỏa phòng, chống dịch COVID-19, cùng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát đình trệ đang kìm hãm tăng trưởng. Nên nhiều nước rơi vào suy thoái là điều khó tránh khỏi và việc World Bank hạ mức tăng tưởng thế giới là phù hợp. 

 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM  

  • Nỗi lo khủng hoảng lương thực ở EU, cơ hội cho cá tra Việt Nam 

– Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), ảnh hưởng của chiến sự Nga – Ukraine có thể gây ra nhiều tác động lớn hơn, bao gồm cả việc châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lương thực cận kề. EU là đối tác thương mại chính của sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủy sản với Nga và Ukraine nên giờ đây Liên minh Châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa về an ninh lương thực. 

– Lạm phát ở Châu Âu đang lên mức cao kỷ lục và đe dọa làm suy yếu quá trình khôi phục sản xuất bắt đầu vào năm ngoái khi các nền kinh tế nỗ lực vực dậy sau đại dịch Covid-19. Dự báo giá lương thực ở Châu Âu sẽ tăng lên mức chưa từng có, đây là cơ hội để DN cá tra quay lại thị trường này sau nhiều năm bị chững lại.  

– Những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đã khởi sắc trở lại sau hơn 3 năm ảm đạm. Tính đến nửa đầu tháng 5/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường này đạt 76,8 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hà Lan là thị trường có sức hút mạnh nhất, chiếm 31,7% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU.  

 

 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT  

  • VCG: Chính thức nới room ngoại lên 49% 

– Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (Mã cổ phiếu: VCG). 

– Ủy ban Chứng khoán đề nghị VCG công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định. Trong ngày 7/6, VCG đã có thông báo chính thức về việc tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49%. 

– Trước đó, vào đầu tháng 11/2018, Vinaconex đã khóa room ngoại về 0% để thực hiện thoái vốn Nhà nước. Sau đó vào năm 2019, Vinaconex cũng đã phải loại bỏ, sửa đổi một số ngành nghề kinh doanh phù hợp nhằm đủ điều kiện nới room ngoại lên mức 49% theo quy định. 

– Ngày 24/06 tới đây, VCG sẽ chính thức trả cổ tức với tỷ lệ 12%/mệnh giá, tức 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng. Với gần 442 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VCG sẽ chi hơn 530 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại năm 2021. 

– Với thị giá hiện nay, VCG đã giảm 2,2 lần và rơi về vùng giá năm 2020. Việc thông qua quyết định nới room ngoại lần này có thể sẽ là cơ hội cho giá cổ phiếu của VCG phục hồi trong thời gian tới. 

 

  • Petrolimex: Ước lãi 1.340 tỷ đồng sau 5 tháng và hoàn thành 44% kế hoạch năm 2022 

– Theo cuộc họp Đại hội cổ đông ngày 8/6, Petrolimex đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 gồm doanh thu hợp nhất 186.000 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 3.060 tỷ đồng, giảm 19%. Tỷ lệ cổ tức duy trì 12% mệnh giá. 

– Trong đó 5 tháng đầu năm, sản lượng kinh doanh xăng dầu đạt 5,9 triệu m3, bằng 48,4% kế hoạch năm. Điều này cho thấy sản lượng bán xăng dầu 5 tháng đã vượt chỉ tiêu đề ra. Dự kiến lợi nhuận trước thuế lũy kế 5 tháng khoảng 1.340 tỷ đồng, thực hiện 44% kế hoạch năm. 

– Trước đó, năm 2021, tập đoàn ghi nhận doanh thu 169.106 tỷ đồng, tăng 36%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 2.839 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm trước. Với kết quả này, Petrolimex dự định chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 12%, tương ứng với mức thanh toán 1.524,7 tỷ đồng. 

– Tuy gặp nhiều khó khăn vì ngay trong những tháng đầu năm nguồn cung xăng dầu thiếu hụt do chiến tranh Nga – Ukraine bùng phát, do các nhà máy lọc dầu trong nước chưa ổn định, đã ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch tạo nguồn, tổ chức sản xuất kinh doanh ngành hàng chủ lực, cốt lõi của tập đoàn nhưng với tình hình 5 tháng vừa qua rất khả quan thì Petrolimex tự tin hơn sẽ vượt kế cả năm. 

 

  • Hà Đô phát hành gần 41 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 20% 

– Tại đại hội cổ đông, HDG dự kiến phát hành 40,77 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 20%. Thời gian thực hiện dự kiến quý II – III/2022. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tương ứng là hơn 1.905 tỷ đồng. 

– Trước đó, vào tháng 3/2022, HDG đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 10%. Như vậy, tổng mức chia cổ tức năm 2021 qua 2 đợt là 30%. 

– Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2022, HDG ghi nhận doanh thu gần 684,8 tỷ đồng, giảm mạnh 49,42% so với cùng kỳ năm ngoái và mới hoàn thành 18,5% mục tiêu cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 295,75 tỷ đồng, giảm 26,35% so với cùng kỳ và hoàn thành 22% kế hoạch năm. 

– Trong năm 2022, HDG đặt kế hoạch doanh thu 3.703 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.344 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Công ty hoàn thành 22% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong đó, lợi nhuận được đóng góp chủ yếu từ việc bàn giao dự án Hado Charm Villas – dự án trọng điểm của doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2023. Ngoài ra, mảng năng lượng, công suất dự kiến vào năm 2025 là 922 MW (tăng 208% so với 2021), được kỳ vọng tạo ra dòng tiền 2.000 tỷ đồng mỗi năm. 

 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 08/06/2022, chỉ số VNINDEX tiếp diễn đà hồi phục từ hôm qua khi đầu phiên sáng chỉ số đã mở gap tăng lên mốc 1.297 điểm. Sau đó duy trì ổn định đà tăng và kết phiên ở mốc 1.307,91 tăng 16,56 điểm (+1,28%).   

– Phiên giao dịch nghiêng hẳn về phe mua khi có tới 389 mã tăng/80 mã giảm, lượng mã tăng chiếm hơn 76% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản trong phiên hôm nay giảm nhẹ, đạt 16.756,739 tỷ đồng.   

– Đà tăng điểm của chỉ số VNINDEX được đóng góp mạnh mẽ bởi các mã cổ phiếu GVR(+1,79điểm), VPB (+1,556 điểm) và MBB (+0,966 điểm). Chiều giảm điểm nhiều nhất là cổ phiếu VCB (-2,179 điểm), tiếp đến là GAS (-0,538 điểm) và HPG (-0,343 điểm).  

– Hôm nay diễn biến khá tích cực khi cả 10 nhóm ngành ghi nhận tăng điểm, trong đó đà tăng nhiều nhất là nhóm ngành Tài chính tăng 3,02% và cũng là ngành có giá trị giao dịch lớn nhất khi đạt 3.596,12 tỷ đồng. Tiếp sau là Công nghiệp tăng 1,82 % và Bất động sản tăng 1,29% với giá trị giao dịch lần lượt là 2.599,46 tỷ đồng và 1.706,87 tỷ đồng. Các nhóm ngành còn lại đều có mức tăng dưới 1,2%.   

– Phiên hôm nay, khối ngoại giao dịch vẫn cẩn trọng khi mua ròng 257,53 tỷ đồng, tập trung vào các mã DPM (84,48 tỷ đồng), MSN (84,02 tỷ đồng) và GAS (65,35 tỷ đồng). Chiều bán ròng là các mã HPG (-182,36 tỷ đồng), PVS (-65,65 tỷ đồng) và NVL (-45,53 tỷ đồng).   

– Sau một tuần chỉ số đi ngang quanh mốc 1.280 điểm, phiên hôm nay VNINDEX đã có đà tăng vượt mức cản tâm lý 1.300 điểm. Tuy thanh khoản có sụt giảm đôi chút cùng với đó là áp lực bán tham gia khi chạm tới vùng kháng cự ngắn hạn quanh 1.320 điểm nhưng sự lan tỏa dòng tiền đồng đều giữa các nhóm ngành vẫn là một tín hiệu tốt cho thị trường. Khả năng sau khi vượt lên ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm sẽ có nhịp test lại của thị trường, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân với tỷ trọng thấp để theo dõi những mã cổ phiếu tốt, ưu tiên cổ phiếu đã tạo nền tích lũy và hạn chế mua đuổi những mã cổ phiếu tăng mạnh và chưa có nhịp điều chỉnh nào đáng kể.  

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0