Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast ngày 08.06.2022 – HPG: Sản lượng thép xây dựng tháng 5 tăng 32% so với tháng trước

Nhận định Thị trường hàng ngày 08/06/2022    427

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ 

  • Giá khí đốt leo lên mức cao kỉ lục trong vòng 13 năm

– Trong phiên giao dịch ngày 6/6, giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 7 tại Mỹ đạt 9,368 USD/1 triệu Btu, tăng 9,91% so với chốt phiên cuối tuần trước. Khí đốt kỳ hạn giao tháng 8 cũng tăng 9,87%, lên mức 9,368 USD/1 triệu Btu. Đây là mức giá khí đốt kỳ hạn giao sau cao kỉ lục trong vòng 13 năm trở lại đây.

– Nguyên nhân chính giá khiến khí đốt tăng vọt là do nắng nóng, kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng, trong khi sản lượng khai thác khí đốt tăng chậm. Mặt khác, khối lượng xuất khẩu mặt hàng này từ các trạm ở Vịnh Mexico tăng nhanh, khiến nguồn cung cho nội địa bị ảnh hưởng.

– Theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong mùa đông năm ngoái (từ tháng 11/2021-3/2022), Mỹ đã xuất kho dự trữ hơn 64,1 tỉ m3 khí đốt, cao hơn 10% so với mức trung bình của 5 năm gần đây. Còn trong mùa đông tới đây, nhu cầu khí đốt tại Mỹ dự kiến sẽ vượt nguồn cung khoảng 0,42 tỉ m3/ngày.

 

  • Mỹ cân nhắc dỡ bỏ một số thuế quan với hàng hoá Trung Quốc

– Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết, các quan chức nước này đã nhận được yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về việc dỡ bỏ một số thuế quan với hàng hóa Trung Quốc.

– Theo bà Raimondo, hàng gia dụng, xe đạp… là những sản phẩm hợp lý có thể cân nhắc đến việc dỡ bỏ thuế quan. Tuy nhiên, với những sản phẩm như thép, nhôm; chính quyền nước này quyết định giữ nguyên thuế để bảo vệ người lao động Mỹ và ngành hàng.

– Trong cuộc phóng vấn, bà Raimondo cũng bày tỏ quan điểm không đồng ý với nhận định kế hoạch giải cứu trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden góp phần khiến lạm phát tăng cao như hiện nay.

– Tổng thống Biden trước đó cho biết đang xem xét loại bỏ một số thuế quan mà người tiền nhiệm – ông Donald Trump đã áp đặt lên hàng trăm tỷ USD hàng hoá Trung Quốc giai đoạn 2018–2019, thời điểm hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xảy ra xung đột thương mại. Các biện pháp áp thuế này sẽ hết hiệu lực vào ngày 6/7, trừ khi có yêu cầu tiếp tục gia hạn từ các ngành công nghiệp Mỹ.

– Phía Trung Quốc cũng lập luận rằng việc giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng Mỹ. Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 11/5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 cua nước này đã tăng 8,3% so với một năm trước. Lạm phát Mỹ hiện vẫn quanh đỉnh 40 năm. Việc này đồng nghĩa tiền lương của người lao động tiếp tục giảm. Nếu tính từ đầu năm, thu nhập thực tế của người lao động Mỹ đã giảm 2,6%.

– Lạm phát là mối đe dọa lớn nhất với sự phục hồi của kinh tế Mỹ, sau bước nhảy vọt năm 2021. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi lạm phát đã lan rộng sang nhà ở, ôtô và một loạt lĩnh vực khác.

 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

  • Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 8% thuế nhập khẩu nhằm kìm hãm đà tăng giá xăng dầu

– Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu thế giới bình quân tính đến kỳ điều hành ngày 21/05 có xu hướng tăng giá so với kỳ điều hành những ngày đầu năm lên đến 42,9 – 56,97% tùy từng mặt hàng.

– Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung xăng dầu khan hiếm. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao tại một nước lớn như Mỹ và một số nước Châu âu cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới tăng, làm tăng giá xăng dầu trong nước.

– Hiện tại giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Cụ thể ngày 11/01/2022 tăng khoảng từ 25,89 – 42,4%, thấp hơn so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thành phẩm thế giới khoảng từ 42,9 – 56,97%. Đồng thời việc cân đối sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu cũng góp phần bình ổn giá xăng dầu; qua đó, hỗ trợ người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

– Đáng chú ý, Nghị quyết số 18 ngày 23/3/2022 điều chỉnh giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ ngành hàng không.

– Tuy nhiên, dù được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, nhưng gần đây, giá xăng tiếp tục tăng và “neo” ở mức cao. Hiện Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống mức 12%, chênh 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN. Mức chênh này khá hợp lý, từ đó góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông.

 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

  • HPG: Sản lượng thép xây dựng tháng 5 tăng 32% so với tháng trước

– Trong tháng 5 vừa qua, hoạt động xuất khẩu thép xây dựng ghi nhận kết quả khả quan với 167.000 tấn, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng sản lượng nói trên. Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 63.000 tấn phôi thép.

– Tuy nhiên với sản phẩm HRC, sản lượng đạt trên 200.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ống thép Hòa Phát đạt 51.000 tấn, tăng 17% so với tháng trước nhưng giảm 20% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ tôn mạ tương đương 54% so với cùng kỳ và tháng trước.

– Lũy kế 5 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 3,6 triệu tấn thép thô, tăng 10% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và HRC đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5%. Thép xây dựng đóng góp 2 triệu tấn, tăng 26% so với 5 tháng 2021, trong đó có 631.000 tấn xuất khẩu, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. HRC ghi nhận 1,2 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Hòa Phát còn cung cấp trên 300.000 tấn ống thép, 152.000 tấn tôn mạ các loại cho thị trường trong và ngoài nước.

– Hòa Phát hiện vẫn giữ vững thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép cuộn cán nóng.

 

  • PAN Group triển khai kế hoạch tăng vốn lên hơn 4.100 tỷ đồng

– Tập đoàn The PAN (Mã cổ phiếu: PAN) công bố Nghị quyết Hội đồng Quản trị, triển khai phương án phát hành khoảng 83,6 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn thặng dư vốn cổ phần theo BCTC kiểm toán năm 2021, tỷ lệ 40%.

– Đồng thời, doanh nghiệp chào bán hơn 104,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 50%. Với giá chào bán 15.000 đồng/cp, doanh nghiệp dự thu 1.566 tỷ đồng. Sau 2 phương án phát hành, vốn điều lệ tập đoàn dự kiến tăng lên 4.102 tỷ đồng.

– Mục đích huy động vốn để tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên hoạt động có hiệu quả hơn, nâng cao lợi ích tổng thể cho tập đoàn; M&A các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm, có hệ thống quản trị minh bạch, đạt hiệu quả kinh doanh tốt hoặc triển vọng cao trong vòng 5 đến 10 năm tới,…

– Năm nay, tập đoàn lên kế hoạch kinh doanh gồm doanh thu thuần hợp nhất 14.300 tỷ đồng, tăng 55,4%; lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng, tăng 48% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 355 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm trước. Trong đó, Quý I, doanh nghiệp ghi nhận kết quả vượt trội với doanh thu 2.949 tỷ đồng, tăng 75%; lợi nhuận sau thuế 168 tỷ đồng, tăng 234% so với cùng kỳ năm trước.

 

  • GAS: Giàn nén khí mỏ Rồng đạt mốc tổng sản lượng 5 tỷ m3 khí

– Tổng Công ty Khí Việt Nam (Mã cổ phiếu: GAS) cho biết, giàn nén khí mỏ Rồng đã đạt cột mốc tổng sản lượng 5 tỷ m3 khí vào ngày 19/5/2022 vừa qua.

– Giàn nén khí mỏ Rồng là sự phối hợp vận hành giữa PV GAS và Vietsovpetro. Giàn nén khí mỏ Rồng là dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 150 triệu USD do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Khí Việt Nam làm chủ đầu tư, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) làm tổng thầu.

– Giàn nén khí mỏ Rồng có nhiệm vụ chính là thu gom phần khí đồng hành trước đây bị đốt bỏ, nén và cung cấp khí gaslift phục vụ cho hoạt động khai thác dầu của Vietsovpetro tại khu vực mỏ Rồng – Đồi Mồi, giúp giảm lượng khí gaslift cấp từ giàn nén khí Trung tâm mỏ Bạch Hổ, đồng thời góp phần gia tăng khí cấp về bờ.

– Giàn nén khí mỏ Rồng được hoàn thiện thi công và đưa vào vận hành từ tháng 11/2010 với công suất xử lý ban đầu là 900 nghìn m3 khí/ngày và nâng lên 1 triệu m3 khí/ngày từ năm 2017. Các năm qua, Giàn nén khí này luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất được giao, đạt cột mốc cung cấp 1 tỷ m3 khí gaslift vào đầu tháng 4/2014; đạt cột mốc cung cấp 2 tỷ m3 khí gaslift vào ngày 27/6/2017; đạt cột mốc cung cấp 3 tỷ m3 khí gaslift vào ngày 21/2/2020 và đạt cột mốc 5 tỷ m3 khí vào ngày 19/5/2022 vừa qua. Như vậy, trải qua hơn 11 năm hoạt động, giàn nén khí mỏ Rồng đã đạt được công suất hiệu quả cao nhất từ trước tới giờ.

– Dự kiến dự án Kho chứa LNG Thị Vải sẽ hoàn thành chạy thử và sẵn sàng trong quý 4/2022. Kỳ vọng về GAS trong tương lai sẽ là một cổ phiếu tầm nhìn dài hạn dành cho các nhà đầu tư và đặc biệt là khi các dự án hoàn thiện đi vào sản xuất.

 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 07/06/2022, chỉ số VNINDEX giảm sâu về ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm trước áp lực bán mạnh ngay từ đầu phiên sáng. Đến gần cuối phiên chiều, có dòng tiền tham gia tích cực hơn, kéo chỉ số về gần tham chiếu, kết phiên ở mốc 1.291,35 điểm, tăng 1,34 điểm (+0,1%).

– Tiếp tục là 1 phiên phe bán chiếm ưu thế dù VNINDEX tăng nhẹ khi có tới 309 mã giảm/149 mã tăng, lượng mã giảm chiếm hơn 60% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản trong phiên hôm nay có sự cải thiện khi đạt 17.834,967 tỷ đồng.

– Đà tăng điểm của chỉ số VNINDEX được đóng góp mạnh mẽ bởi các mã cổ phiếu trụ VCB (+1,574 điểm), FPT (+0,608 điểm) và PLX (+0,596 điểm). Chiều giảm điểm có các mã cổ phiếu VHM (-0,891điểm), BID(-0,776 điểm) và VIC (-0,446 điểm).

– 7/10 nhóm ngành ghi nhận tăng điểm trong phiên ngày hôm nay, trong đó tăng nhiều nhất là nhóm ngành Năng lượng với mức tăng 4,02%. Tiếp đến là nhóm -ngành Chăm sóc sức khỏe tăng 2,84% và Dịch vụ tiện ích tăng 2,69%. Ba nhóm ngành Bất động sản, Nguyên vật liệu và Tài chính có mức giảm nhẹ từ 0,8 – 1,1%. Các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất trên thị trường gồm có Công nghiệp (3.244,89 tỷ đồng), Tài chính (2.940,44 tỷ đồng), Nguyên vật liệu (2.34,26 tỷ đồng).

– Phiên hôm nay, giá trị mua ròng của khối ngoại đã cải thiện hơn so với phiên hôm qua với giá trị đạt 153,45 tỷ đồng, tập trung vào các mã FUEVFVND (315,81 tỷ đồng), BSR (72,28 tỷ đồng) và PNJ (56,41 tỷ đồng). Chiều bán ròng là các mã DCM (-68,21 tỷ đồng), BSR (-53,87 tỷ đồng) và DXG (-50,75 tỷ đồng).

– Chỉ số VNINDEX sau 6 phiên đi ngang quanh vùng 1.280 điểm, phiên giao dịch hôm nay đã có nhịp test lại vùng hỗ trợ 1.260 điểm và nhanh chóng hồi phục tăng điểm vào khoảng thời gian cuối phiên chiều. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng khi tình trạng “Xanh vỏ đỏ lòng” vẫn còn xảy ra cho thấy chưa có sự lan tỏa tăng đồng đều giữa các nhóm ngành, cần đợi thêm những tín hiệu xác nhận xu hướng tiếp theo của dòng tiền.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0