Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast ngày 07.06.2022 – KBC: Mục tiêu lợi nhuận năm 2022 cao gấp 4,7 lần thực hiện năm ngoái

Nhận định Thị trường hàng ngày 07/06/2022    880

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

  • Nga tăng cấp khí đốt cho Trung Quốc trước sức ép lệnh trừng phạt của EU

– Trước các lệnh trừng phạt mới của EU gây áp lực lên Nga bằng việcloại ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank ra khỏi hệ thống thanh toán xuyên biên giới. Đồng thời sẽ cấm mua dầu thô của Nga cùng các sản phẩm dầu mỏ tinh chế như dầu diesel vào cuối năm nay đã khiến giá dầu thô Brent đã tăng lên vượt ngưỡng 120 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 3.

– Trong ngắn hạn, sản lượng dầu mỏ của Nga không bị ảnh hưởng nhiều bởi có 2 “khách hàng lớn” là Ấn Độ và Trung Quốc. Mới đây, tập đoàn Gazprom của Nga thông tin về việc xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia đã tiếp tục tăng. Trước đó trong năm 2020, Gazprom đã cung cấp 4,1 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống này.

– Theo Gazprom, dự án đường ống khí đốt Power of Siberia 2 đang được triển khai nhằm đưa khí đốt Nga đến Trung Quốc qua lãnh thổ Mông Cổ. Đường ống này sẽ có khả năng cung cấp tới 50 tỷ mét khối khí đốt khi đi vào hoạt động. Gazprom dự định sẽ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Trung Quốc, chiếm hơn 25% hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2035.

 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

  • Apple lần đầu tiên chuyển sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam

– Theo Nikkei Asia, một nhà máy lắp ráp iPad đã xây dựng dây chuyền tại Việt Nam. Apple đã tìm nguồn cung ứng tai nghe Airpod từ Việt Nam.

– Diễn biến này diễn ra khi thành phố Thượng Hải của Trung Quốc phong tỏa kéo dài để chống đại dịch COVID-19, đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm công nghệ khác nhau khiến nhà Apple phải tìm các giải pháp thay thế.

– Điều này đã khiến một số chuyên gia thúc đẩy khái niệm “Trung Quốc +”, trong đó Việt Nam chính là sự lựa chọn.

– Theo phân tích của Nomura – một ngân hàng đầu tư Nhật Bản, nền kinh tế Việt Nam đã tăng gần 8% do sự chuyển dịch sản xuất trong thời kỳ chiến tranh thương mại. Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng hai con số trước khi đại dịch gây ra gián đoạn trên toàn cầu. Từ đó giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

– Từ những động thái như vậy, nền kinh tế Việt Nam đang nổi lên là 1 điểm đến sản xuất ưa thích của các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu, dự kiến đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nước ta trong thời gian tới

 

  • Nền kinh tế Việt Nam phục hồi kéo theo tiêu thụ xi măng dự báo sẽ tiếp tục tăng

– Theo Hiệp hội Xi măng (VNCA), thời gian qua, xi măng đã 2 lần tăng giá, tăng từ 100.000 – 150.000 đồng/tấn sản phẩm. Dù giá tăng, nhưng sức tiêu thụ xi măng đang phục hồi tốt, đặc biệt là xuất khẩu. Trong tháng 5/2022, sản lượng tiêu thụ toàn ngành kể cả xuất khẩu ước đạt gần 9,3 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước gần 6 triệu tấn; xuất khẩu ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn.

– Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5, tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt trên 44 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu thụ trong nước khoảng 27 triệu tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu trên 17 triệu tấn khoảng tăng 5%.

– Tuy nhiên, năm 2022, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30-40% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng. Hiện nay, 66% nguồn cung than cho sản xuất xi măng phải nhập khẩu, do đó giá thành xi măng Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế.

– VNCA dự báo thời gian tới, tiêu thụ xi măng thị trường nội địa sẽ tiếp tục tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế và nhờ hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu khi các nhà sản xuất xi măng lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc cắt giảm công suất.

 

  • Khách quốc tế qua cảng hàng không tăng hơn 900%

– Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết từ đầu năm đến nay, khách qua cảng hàng không đạt 40,7 triệu lượt, tăng gần 57% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt, tăng gần 905%, khách nội địa đạt 38,9 triệu lượt, tăng gần 53%.

– Cục Hàng không dự kiến năm nay, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu lượt khách, tăng 190% so với 2021. Riêng khách quốc tế dự kiến đạt khoảng 5 triệu lượt, tăng 844% và khách nội địa đạt khoảng 82,8 triệu lượt, tăng hơn 178%.

– Ngoài ra, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không từ đầu năm đến nay đạt 765.000 tấn, tăng gần 31% so với cùng kỳ 2021. Dự kiến năm nay, số lượng hàng hóa qua cảng hàng không sẽ đạt khoảng 1,5 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2021.

– TS Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không nhận định 5 năm tới, ngành hàng không vẫn chịu tác động từ diễn biến và mức độ kiểm soát dịch Covid-19, sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, đặc biệt là sự phát triển của ngành du lịch.

– Chuỗi cung ứng của ngành hàng không được khôi phục, hoạt động bình thường trở lại từ giữa hoặc cuối năm nay. Kết quả hoạt động của ngành đạt mức cao trước dịch bệnh vào cuối 2023, trong đó hoạt động vận chuyển hành khách trong nước phục hồi vào đầu 2023, vận chuyển khách quốc tế phục hồi vào giữa hoặc cuối 2023.

 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

  • KBC: Mục tiêu lợi nhuận năm 2022 cao gấp 4,7 lần thực hiện năm ngoái

– Theo tài liệu KBC gửi tới cổ đông chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào ngày 25/6 tới đây, KBC lên kế hoạch kinh doanh với 9.800 tỷ đồng tổng doanh thu và 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt gấp 2,3 lần và 4,7 lần so với thực hiện của năm 2021.

– Năm 2022, KBC sẽ tăng tốc thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án: Khu công nghiệp Quang Châu mở rộng, Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu công nghiệp Tràng Duệ mở rộng, Khu đô thị mới Phúc Ninh, Khu đô thị Tràng Duệ, Khu đô thị Tràng Cát, cụm công nghiệp tại Long An, Hưng Yên để tạo ra các sản phẩm sẵn có đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

– Ngoài ra, KBC cũng hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án khác như: Khu đô thị Lộc Giang; Khu đô thị Hậu Nghĩa – Đức Hòa, Kông nghiệp đô thị Hữu Thạnh – Đức Hòa tại Long An; Khu công nghiệp Tân Phước 2 tại Tiền giang; Tăng quy mô diện tích các dự án tại Hưng Yên; Các dự án tại Hải Dương và Vũng Tàu.

– Để đảm bảo nguồn vốn cho việc triển khai kế hoạch đầu tư và kinh doanh này, năm 2022, Tổng Công ty dự kiến thu xếp khoảng 10.000 tỷ đồng thông qua hình thức các hình thức thu xếp vốn có lợi thế.
 

  • Gilimex trình kế hoạch lợi nhuận giảm 24%, tỷ lệ cổ tức 15-30%

– Tại cuộc họp Đại hội Đồng Cổ đông thường niên năm 2022, Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh Gilimex (mã chứng khoán GIL) đặt kế hoạch doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 250 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,6% và 24,4% so với thực hiện cùng kỳ. Tỷ lệ cổ tức năm nay dự kiến trong khoảng 15% đến 30%.

– Theo đó trong quý I, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 64%, lên 1.416,9 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng tăng 68% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 245,15 tỷ đồng, tăng 46%. Kỳ này, doanh thu tài chính của GIL tăng 159%, lên 37,15 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi bán cổ phiếu. Kết quả, GIL đem về 107,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 51% so với thực hiện quý I/2021.

– Năm ngoái, đơn vị ghi nhận doanh thu tăng 20,1% lên 4.150,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 6,9% lên 330,6 tỷ đồng. Về phương án phân phối lợi nhuận năm trước, Gilimex dự kiến sẽ trả cổ tức tổng tỷ lệ 25%, với 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu.

– Hội đồng quản trị cũng phê duyệt ngân sách đầu tư cho năm nay, bao gồm 1.500 tỷ đồng phát triển sản xuất kinh doanh và 2.000 tỷ đồng vay ngân hàng để tài trợ vốn hoạt động. Đồng thời đề xuất phát hành thông qua đại lý 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển. Số trái phiếu này sẽ được chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp. Mục đích là để bổ sung nguồn bốn hoạt động sản xuất kinh doanh trung và dài hạn.

 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 06/06/2022, chỉ số VNINDEX đã có đà tăng khá tốt trong phiên khi đạt mốc 1.302 điểm nhưng phiên chiều áp lực bán đã gia tăng kéo chỉ số giảm về quanh mốc tham chiếu khi kết phiên ở mốc 1.290 điểm, tăng nhẹ 2,03 điểm (+0,16%).

– Độ rộng thị trường có tới 315 mã giảm/141 mã tăng, lượng mã giảm chiếm gần 62% số mã trên sàn HOSE. Cho dù là 1 phiên tăng điểm nhẹ nhưng số mã giảm lại nhiều hơn mã tăng cho thấy sự lan tỏa dòng tiền không đồng đều trên thị trường, tạo hiệu ứng “Xanh vỏ, đỏ lòng”. Thanh khoản trong phiên hôm nay tăng nhẹ khi đạt 16.942,086 tỷ đồng.

– Đà tăng điểm của chỉ số VNINDEX được đóng góp mạnh mẽ bởi các mã cổ phiếu trụ GAS (+2,787 điểm), VCB (+2,66 điểm) và MSN (+1,52 điểm). Chiều giảm điểm có các mã cổ phiếu NVL (-0,598 điểm), BCM (-0,582 điểm) và PGV (-0,517 điểm).

– 4/10 nhóm ngành ghi nhận tăng điểm trong phiên ngày hôm nay, trong đó tăng nhiều nhất là nhóm ngành Dịch vụ tiện tích tăng 3,04%, tiếp đến Tiêu dùng thiết yếu tăng 1,44%, hai nhóm ngành Năng lượng và Tiêu dùng tăng dưới 1%. Các nhóm ngành còn lại đều có mức giảm dưới 1,5%. Top 4 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất trên thị trường gồm có Công nghiệp (3.231,47 tỷ đồng), Tài chính (2.684,57 tỷ đồng), Nguyên vật liệu (2.084,71 tỷ đồng) và Bất động sản (1.983,22 tỷ đồng).

– Phiên hôm nay, khối ngoại giao dịch khá nhẹ nhàng khi mua ròng 54,36 tỷ đồng, tập trung vào các mã DPM (198,93 tỷ đồng), BSR (191,09 tỷ đồng) và DCM (109,43 tỷ đồng). Chiều bán ròng là các mã HPG (-101,31 tỷ đồng), STB (-84,09 tỷ đồng) và GMD (-80,06 tỷ đồng).

– Chỉ số VNINDEX một lần nữa chưa thể vượt mức cản tâm lý 1.300 điểm chủ yếu do những mã cổ phiếu trụ tăng điểm để giữ chỉ số trong khi thị trường chung số mã giảm đều chiếm ưu thế. Khả năng VNINDEX sẽ có sự điều chỉnh về vùng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.260 điểm nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh. Thời điểm này nhà đầu tư chỉ nên theo dõi, chưa nên giải ngân và có thể cân nhắc hạ tỷ trọng với những mã cổ phiếu đã vào vùng kháng cự cũ để đề phòng khi thị trường có sự điều chỉnh.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0