Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast ngày 06.07.2022 – FLC, ROS, HAI bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/7

Nhận định Thị trường hàng ngày 06/07/2022    747

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 06/07/2022

1.THÔNG TIN VĨ MÔ

Nguồn cung khí đốt Nga giảm, hãng hoá chất khổng lồ của Đức rơi vào thế khó

– Trong suốt nhiều năm, BASF SE – một trong những công ty hoá chất lớn nhất thế giới – đã xây dựng mô hình kinh doanh của mình dựa trên nguồn khí đốt giá rẻ và dồi dào từ Nga. Với BASF, khí đốt Nga vừa là nhiên liệu vừa là nguyên liệu để sản xuất các loại hoá chất làm đầu vào cho loạt sản phẩm từ kem đánh răng, thuốc men cho tới ô tô.

– Hồi tháng 6, Nga bắt đầu siết van khí đốt đối với Đức và các nước châu Âu khác. Phản ứng với động thái này của Nga, các nhà điều hành BASF đang phải tính xem sẽ đóng cửa khu phức hợp này thế nào trong trường hợp nguồn cung khí đốt tiếp tục bị cắt giảm.

– Theo tờ Wall Street Journal, nguồn cung khí đốt từ Nga suy giảm đang đặt ra nguy cơ lớn đối với trung tâm sản xuất khổng lồ của BASF, đặt ở Ludwigshafen, Đức. Đây cũng là khu phức hợp hoá chất lớn nhất thế giới với khoảng 200 nhà máy.

– Sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt Nga tăng lên khi các chính phủ nối tiếp nhau có những bước đi nhằm đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này và cắt giảm dần việc sử dụng than. Với chính sách như vậy, khí đốt trở thành một nguồn năng lượng chủ đạo ở Đức, còn năng lượng tái sinh trở thành các nguồn thay thế. Nhiều gia đình ở Đức sử dụng khí đốt để sưởi ấm và nước này cũng là trung tâm sản xuất công nghiệp ở châu Âu – một khu vực vốn dĩ tiêu thụ nhiều loại nhiên liệu này. Hiện tại, Nga chiếm khoảng 35% nhập khẩu khí đốt của Đức, so với mức khoảng 55% trước khi chiến tranh nổ ra.

– Đối mặt với nhiều thách thức tại châu Âu, BASF đang hướng tới thị trường Trung Quốc nhiều hơn. Hãng hiện đang xây một khu sản xuất 10 tỷ USD ở Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông. Hãng nói rằng Trung Quốc – thị trường hoá chất lớn nhất và đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới – là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng của hãng. Giá năng lượng leo thang ở châu Âu và chiến tranh Nga-Ukraine khiến cho chiến lược này của BASF trở nên hấp dẫn hơn.

– Tuy nhiên, việc dịch chuyển trọng tâm về Trung Quốc sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, một phần vì thị trường này hiện mới chỉ đóng góp 14% doanh thu của BASF, so với mức 40% ở châu Âu. Ngoài ra, rủi ro chính trị cũng là một yếu tố cần cân nhắc, bởi Chính phủ Đức đang có những đánh giá lại về mối quan hệ với Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc chiến lược và kinh tế vào Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

Năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến tăng trưởng doanh thu bằng ½ năm ngoái

– Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tới cuối tháng 5, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.715 tỷ đồng, tăng 17,2%; bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.564 tỷ đồng, tăng 13,1%. Doanh thu phí toàn thị trường tăng 14% cùng kỳ.

– Mức tăng trưởng 13,1% của bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 tháng đầu năm rất tích cực nếu so với mức tăng trưởng gần 4% của cả năm 2021, đà tăng trưởng này dự kiến sẽ duy trì trong năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng với những thuận lợi về chính sách.

– Tuy nhiên, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ có xu hướng tăng mạnh so với năm 2021 sau khi người dân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Bên cạnh đó, đà tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ đã có dấu hiệu giảm trong 2 năm gần đây (đạt dưới 20%, so với mức tăng 30% những năm trước), số lượng hợp đồng và phí bảo hiểm khai thác mới 5 tháng năm 2022 ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021 (-19,9% và -4,8%).

– Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, những khó khăn trên chỉ là ngắn hạn, tiềm năng thị trường trong dài hạn vẫn còn rất lớn. Bởi tỷ lệ thâm nhập (2,3% – 2,8%) và phí bảo hiểm (72 – 75 USD) ở mức thấp. Ngoài ra, số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 10 triệu người tương đương với khoảng 10% dân số. Ngành Bảo hiểm cũng được hỗ trợ bởi việc tái cấu trúc hệ thống khám chữa bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội và khả năng gia tăng tỷ lệ tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống ngân hàng…

6 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su cán mốc hơn 1,3 tỷ USD

– Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt khoảng 180 nghìn tấn, trị giá 297 triệu USD, tăng 57,7% về lượng và tăng 52,6% về trị giá so với tháng 5/2022.

– So với tháng 6/2021 xuất khẩu cao su tăng 10,4% về lượng và tăng 8,1% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.651 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 5/2022 và giảm 2,1% so với tháng 6/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 779 nghìn tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

– Trong 5 tháng đầu năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR3L, SVR10, SVRCV60, RSS3…

– Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2022, thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, sau khi các ngân hàng trung ương lớn tung ra các gói cứu trợ, giá cao su thế giới có thể sẽ tăng do nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến thiếu hụt bởi nguồn cung cao su Đông Nam Á đang bị thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản lượng mủ tự nhiên. Việt Nam có khả năng hưởng lợi kép cả về lượng xuất khẩu và trị giá do thế giới vẫn khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su, giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao. Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam.

76% doanh nghiệp EU mong muốn tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trước quý III

– Kết quả khảo sát chỉ số Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index – BCI) quý II cho thấy niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp EU giảm 4,4 điểm phầm trăm so với quý trước, xuống mức 68,6 điểm.

– Nguyên nhân đến từ một số yếu tố kép như cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa tăng đột biến và hiệu ứng của chính sách Zero-Covid của Trung Quốc… đã ảnh hưởng và làm giảm kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

– So với quý I trước đó, lãnh đạo doanh nghiệp EU cho thấy niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đã giảm xuống. Theo đó, có 60% số người được hỏi dự đoán rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định hoặc cải thiện trong quý III, trong khi con số này quý trước là 69%.

– 45% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết các khó khăn chính mà các công ty nước ngoài gặp phải liên quan tới các thủ tục hành chính – điều làm cản trở khả năng của họ trong việc tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và cũng bày tỏ sự hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI của Việt Nam. 76% lãnh đạo kỳ vọng rằng công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III.

– Những yếu tố tiêu cực thời gian vừa qua tác động không chỉ riêng Việt Nam mà còn gây bất ổn cho toàn cầu. Chính vì vậy sự nỗ lực trong công tác kiểm soát dịch, duy trì sản xuất của Việt Nam trong tương lai sẽ còn gây ấn tượng và thu hút nhiều hơn nữa vốn FDI cho các dự án lớn.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

Doanh thu Dệt may TNG tháng 6 đạt 750 tỷ đồng, tăng 20%

Dệt may TNG công bố doanh thu tháng 6 đạt 750 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2021 và đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp đạt 3.229 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% so với cùng kỳ và thực hiện 54% kế hoạch năm.

– Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT cho biết doanh nghiệp cũng đã đủ đơn hàng đến tháng 8. Doanh thu nửa đầu năm trên 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận ước tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước. Ông cho rằng quý III là giai đoạn cao điểm của Dệt may TNG.

– Về quy mô, Dệt may TNG đang ký với khoảng 4-5 khách hàng lớn ở Mỹ, Pháp, Colombia, tình hình đơn hàng vẫn ổn định. Với thị trường Nga, giá trị đơn hàng năm 2021 của Dệt may TNG khoảng 10 triệu USD, năm nay dự kiến 20 triệu USD. Chiến tranh Nga – Ukraine diễn ra, 4 container hàng chở đi đã bị trả về. Song đến tháng 3, tình hình giao hàng và thanh toán thông suốt trở lại. Tới hiện nay, thị trường Nga đã tốt hơn, đối tác đặt vấn đề nâng giá trị đơn hàng lên 30 triệu USD. Dựa theo đó, TNG tự tin hoàn hành và vượt kế hoạch kinh doanh năm nay.

FLC, ROS, HAI bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/7

– Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu của Tập đoàn FLC (FLC); Nông dược HAI (HAI) và Xây dựng FLC FAROS (ROS).

– Nguyên nhân là 3 tổ chức niêm yết này vẫn chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2021, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

– Mới đây, cổ phiếu HAI đã có văn bản giải trình về nguyên nhân của việc chậm nộp báo cáo tài chính năm nói trên là do tố chức kiêm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 cho Công ty hiện đang bị đình chỉ tư cách công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán của ủy ban chứng khoán Nhà nước.

– Tương tự, ROS và Tập đoàn FLC hiện vẫn dang gấp rút tìm kiếm đơn vị kiểm toán mới trong danh sách các đơn vị kiểm toán được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận đế thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021.

– Được biết, 3 cổ phiếu họ FLC nêu trên đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 26/4 vừa qua vì chậm nộp báo cáo tài chính quá thời gian quy định. Tiếp đó, 3 cổ phiếu này bị chuyển sang diện kiểm soát và giờ bị hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính.

– FLC, HAI và ROS chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và thoả thuận.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch ngày 5/07/2022, chỉ số VNINDEX mở đầu phiên sáng mở gap tăng nhẹ. Nhưng sau đó áp lực bán lớn khiến VNINDEX đảo chiều giảm sâu. Mặc dù nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng tốt nâng đỡ thị trường nhưng tâm lý tiêu cực đã kéo chỉ số VNINDEX giảm điểm, đóng cửa ở mốc 1.181,29 điểm, giảm hơn 14 điểm (-1,19%)

– Độ rộng thị trường đã nghiêng hẳn về phe bán khi có tới 347 mã giảm/120 số mã tăng. Số mã giảm chiếm hơn 67% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản có sự gia tăng khi đạt 13.806,648 nghìn tỷ đồng.

– Áp lực giảm điểm chỉ số VNINDEX tiếp tục đến từ nhóm cổ phiếu trụ như GAS (-2,795 điểm), MSN (-2,116 điểm) và VNM (-1,09 điểm). Chiều tăng điểm có BID (+1,649 điểm), TCB (+1,282 điểm) và MBB (+0,838 điểm).

– Phiên hôm qua diễn biến tiêu cực khi chỉ có 2/10 nhóm ngành giữ được sắc xanh, đó là Tài chính (+1,08%) và Chăm sóc sức khỏe (+1,09%). Ở chiều ngược lại, Tiêu dùng thiết yếu và Dịch vụ tiện ích giảm mạnh nhất ( quanh 4%), Tiêu dùng (-3,71%) và Công nghiệp (-3,34%) Các nhóm ngành còn lại có mức giảm dưới 1,8%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất trong phiên ngày hôm qua gồm có Tài chính (4.061 tỷ đồng), Công nghiệp (1.800 tỷ đồng), Tiêu dùng thiết yếu (1.422 tỷ đồng).

– Khối ngoại tiếp tục tăng giá trị bán ròng lên hơn 268 tỷ đồng. Tập trung vào các mã VHM (-76,76 tỷ đồng), VCB (-46,89 tỷ đồng) và MSN (-36,4 tỷ đồng). Chiều mua ròng có các mã VNM (+32,04 tỷ đồng),  VHC (+27,68 tỷ đồng) và FUESSVFL (+21,42 tỷ đồng).

– Phiên hôm qua, tuy có sự hồi phục của nhóm cổ phiếu Ngân hàng nhưng áp lực bán trên thị trường chung tăng cao khiến VNINDEX tiếp tục giảm hướng về vùng hỗ trợ đáy quanh 1.160 điểm. Với áp lực bán vẫn còn cao, phiên giao dịch hôm nay chỉ số VNINDEX sẽ còn những biến động nhất định khi test lại vùng đáy cũ, nhà đầu tư thời điểm hiện tại nên ưu tiên đứng ngoài quan sát, hạn chế mở mới vị thế mới với những mã cổ phiếu đang trong đà giảm mạnh.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0