Hợp tác cùng phát triển

Dcall Podcast ngày 03.06.2022 – BSR lãi hơn 4.400 tỷ đồng trong hai tháng

Nhận định Thị trường hàng ngày 03/06/2022    797

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

  • Bloomberg: Cả thế giới vẫn “trả tiền” cho Nga giữa hàng loạt lệnh trừng phạt

– Mâu thuẫn với Ukraine khiến Nga chịu áp lực không nhỏ trước các lệnh trừng phạt đến từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ngay cả khi một số quốc gia ngừng hoặc loại bỏ hoàn toàn việc mua năng lượng, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga sẽ đạt khoảng 285 tỷ USD trong năm nay, theo ước tính của Bloomberg Economics.

– Theo IEA, doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 50% so với 1 năm trước đó. Quỹ I/2022, các nhà sản xuất dầu hàng đầu của Nga kiếm được lợi nhuận cao nhất trong gần 1 thập kỷ. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu lúa mì – loại hàng hóa đang tăng giá, vẫn tiếp tục được đẩy mạnh vì đây là thứ cả thế giới cần và không được đưa vào các cuộc thảo luận để áp lệnh trừng phạt.

– Ngay cả khi EU cam kết giảm sự phụ thuộc, thì quá trình này vẫn gặp một số trở ngại. Một số đối tác lớn của Nga vẫn nỗ lực tiếp tục mua nhiên liệu quan trọng này và các công ty tiện ích như Eni SpA của Ý và Uniper của Đức kỳ vọng họ vẫn nhận được nguồn cung từ quốc gia này.

– Dù tiến độ chậm, nhưng EU vẫn áp dụng các biện pháp trừng phạt theo từng thời điểm. Bởi vậy, áp lực với nền kinh tế và tài chính của Nga chắc chắn sẽ tăng lên.

  • Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

– Kể từ xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, hơn 20 quốc gia trên thế giới đã áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu thực phẩm. Cụ thể, vào cuối tháng 4, Indonesia đã cấm hầu hết việc xuất khẩu dầu cọ để bảo vệ nguồn cung dầu ăn trong nước khiến thế giới mất đi nguồn cung dầu ăn từ nhà sản xuất lớn nhất này. Tiếp đến là lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ hồi tháng 5 đã giáng một đòn mạnh vào thị trường thế giới, khi đợt nắng nóng gay gắt ở nước này đã làm giảm sản lượng và giá nội địa đạt mức cao kỷ lục.

– Ở một số khía cạnh, khủng hoảng phân bón cũng diễn ra trầm trọng khi đây là nguồn nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi Nga và Trung Quốc đã xuất khẩu 28% lượng phân bón trên thế giới về giá trị thương mại từ năm 2016 đến năm 2020. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã làm gián đoạn việc vận chuyển các nguồn tài nguyên thiên nhiên đó trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đóng cửa vì chiến dịch Zero Covid càng khiến giá phân bón tăng phi mã.

– Báo cáo Toàn cầu về Khủng hoảng Lương thực năm 2022 ước tính khoảng 180 triệu người ở 41 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ rơi vào khủng hoảng lương thực trong năm nay do xung đột, thời tiết khắc nghiệt và các cú sốc kinh tế, bao gồm cả tác động của đại dịch COVID-19.

 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

  • Giá xăng dầu tăng, ngành thủy sản gặp khó

– Thời gian gần đây, ngư dân Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung gặp nhiều khó khăn vì giá nhiên liệu vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi giá bán hải sản vẫn giữ nguyên, thậm chí bị sụt giảm. Giá nhiên liệu cao khiến chi phí đi biển của ngư dân hiện nay tăng từ 20-25%. Tất cả đã làm lợi nhuận mỗi chuyến biển của ngư dân giảm đi đáng kể. Được biết, giá xăng dầu thường chiếm 40-50% tổng chi phí mỗi chuyến đi biển. Điều này khiến các chủ tàu cá công suất lớn luôn phải cân nhắc trước khi ra khơi.

– Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản cũng bị ảnh hưởng lớn, một phần do thời tiết nhưng nguyên nhân chính vẫn do giá xăng dầu tăng cao. Nó cũng kéo theo các chi phí đầu vào, dịch vụ logistics tăng khiến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

– Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, hải sản là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam hiện nay, 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu hải sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện xuất khẩu hải sản chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Dự báo trong năm 2022, ngành thủy sản có thể tăng từ 10-12% so với năm 2021. Xuất khẩu hải sản khai thác đang đóng vai trò ngày càng cao trong tổng cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, giá xăng dầu cao làm nhiều tàu đánh bắt không thể ra khơi, ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu hải sản xuất khẩu.

 

 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

  • BSR lãi hơn 4.400 tỷ đồng trong hai tháng

– Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cho biết tính đến tháng 5, sản lượng sản xuất và tiêu thụ lần lượt đạt 2,84 triệu tấn và 2,75 triệu tấn sản phẩm, thực hiện 44% và 42% kế hoạch năm. Doanh thu trên 65.840 tỷ đồng, thực hiện 72% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.764 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch được giao (1.295 tỷ đồng).

– Quý I, doanh nghiệp ghi nhận 34.783 tỷ đồng doanh thu, tăng 66%. Lợi nhuận sau thuế 2.312 tỷ đồng, tăng 24%. Như vậy, riêng tháng 4 và 5, công ty lọc dầu đạt 31.057 tỷ đồng doanh thu và 4.452 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt xa con số ghi nhận trong quý II/2021 (lần lượt 27.860 tỷ và 1.696 tỷ đồng).

– Kết quả kinh doanh BSR khởi sắc trong bối cảnh giá dầu Brent biến động tăng từ vùng 102 USD/thùng lên 117 USD/thùng. Điều này kéo theo giá xăng trong nước tăng, tại kỳ điều hành ngày 1/6, giá xăng RON 95 lập kỷ lục mới khi tăng 921 đồng/lít lên 31.578 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 602 đồng lên mức 30.235 đồng/lít.

– Nguồn cung cho thị trường (nhất là khu vực châu Âu) tiếp tục ảnh hưởng từ việc các nước châu Âu đã thống nhất tăng mức cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu tư Nga, trong khi tồn kho dầu thô ở Mỹ vẫn ở mức thấp. Ngược lại, nhu cầu tăng trở lại khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa đề phòng dịch Covid-19 tại Thượng Hải và vào mùa lái xe Hè tại Mỹ.

  • MWG chốt quyền chia cổ tức cổ phiếu 2021 tỷ lệ 100%

– Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) công bố ngày 17/6 đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông phân bổ quyền nhận cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 100%, tương đương hơn 732 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ gấp đôi lên 14.638 tỷ đồng. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận giữ lại theo BCTC kiểm toán năm 2021. Như vậy, tổng tỷ lệ trả cổ tức năm 2021 của MWG là 110% gồm 10% tiền mặt và 100% cổ phiếu.

– Năm 2021, doanh nghiệp đạt 4.899 tỷ đồng lãi ròng, tăng 25,6%. Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối đến cuối năm đạt 12.674,5 tỷ đồng, cao hơn 78% so với vốn góp chủ sở hữu.

– MWG đề ra mục tiêu doanh thu năm nay đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6.350 tỷ đồng, tăng 30% so với thực hiện 2021. Trong đó, 4 tháng đầu năm, doanh thu ghi nhận 47.908 tỷ đồng, tăng 18% và thực hiện 34% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 1.819 tỷ đồng, tăng 8% và thực hiện 29% kế hoạch năm.

– Với chiến lược bán lẻ Omni-channel, MWG kỳ vọng đóng góp trong tổng doanh thu lên 15%. Và Thế giới Di động, Điện Máy Xanh vẫn sẽ là trụ cột mang lại dòng tiền chính cho Công ty, ước tính đóng góp từ 75%-80% tổng doanh thu.

  • Đạt Phương chốt quyền trả cổ tức tỷ lệ 10% bằng tiền mặt.

– Hội đồng quản trị tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) thông qua ngày 16/6 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt tương đương với 63,9 tỷ đồng.

– Năm nay, doanh nghiệp đề ra kế hoạch doanh thu 3.825 tỷ đồng, tăng 50,2%, lợi nhuận sau thuế 442 tỷ đồng, giảm 1,5% so với thực hiện trong năm 2021.

– Theo đó, Quý I/2022 công ty ghi nhận doanh thu thuần 545,1 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ hợp đồng xây dựng và bán điện thương mại lần lượt tăng 93,6% và 57%. Đạt Phương đã thu về 150,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 18,7% so với quý I/2021. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 15,5% lên 112,5 tỷ đồng. Lợi nhuận quý này tăng chủ yếu đến từ doanh thu mảng sản xuất điện tăng.

– Chủ tịch Đạt Phương cho biết doanh thu năm nay tăng mà lợi nhuận đi ngang chủ yếu do đóng góp của mảng xây lắp. Mảng xây lắp vẫn tăng trưởng nhưng lãi sẽ không cao vì chi phí nguyên vật liệu tăng, các dự án công ty thi công không được điều chỉnh giá. Doanh thu từ mảng bất động sản vẫn sẽ đến từ những dự án cũ vì những khu đô thị mới xây của công ty bao giờ bàn giao cho khách hàng mới có thể ghi nhận doanh thu.

 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch ngày 2/6/2022, chỉ số VNINDEX ghi nhận mức sụt giảm hơn 10 điểm quay về mốc 1.288,62 điểm (-0,84%). Phiên giao dịch sáng, chỉ số giao dịch quanh mức tham chiếu và biến động mạnh ở đầu phiên chiều khi áp lực bán gia tăng lên hầu hết các nhóm ngành.

– Độ rộng thị trường có tới 332 mã giảm điểm/ 123 mã tăng điểm, số mã giảm điểm chiếm tới hơn 65% số mã trên sàn HOSE cho dù số điểm giảm không nhiều. Thanh khoản của thị trường có sự tăng nhẹ đạt giá trị 16.463,886 tỷ đồng.

– Đà giảm điểm của chỉ số VNINDEX có sự đóng góp của các mã cổ phiếu trụ VCB (-1,806 điểm), HPG (-1,366 điểm) và GAS (-1,023 điểm). Chiều tăng điểm có các mã cổ phiếu GVR (+0,661 điểm), NVL (+0,442 điểm) và MWG (+0,41 điểm).

– Phiên hôm nay chỉ có duy nhất 1 nhóm ngành tăng điểm là Tiêu dùng (+2,36%) cùng giá trị giao dịch đạt 1.015,58 tỷ đồng. Các nhóm ngành giảm điểm mạnh gồm có Năng lượng (-2,66%), Nguyên vật liệu (-2,09%) và Công nghiệp (-1,85%). Các nhóm ngành còn lại có mức giảm dưới 1%. Bốn nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất trong phiên ngày hôm nay có thể kể đến Tài chính (3.304 tỷ đồng), Công nghiệp (2.745 tỷ đồng), Nguyên vật liệu (2.231 tỷ đồng) và Bất động sản (2.097 tỷ đồng).

– Khối ngoại phiên hôm nay đã đảo chiều bán ròng 536,71 tỷ đồng với các mã HPG (-160,92 tỷ đồng), VIC (-98,54 tỷ đồng) và GAS (-91,24 tỷ đồng). Chiều mua ròng tập trung vào các mã DGC (86,12 tỷ đồng), CTG (64,99 tỷ đồng) và HDB (38,03 tỷ đồng)

– Hiện tại chỉ số VNINDEX đã đi ngang được 4 phiên cùng giá trị thanh khoản xấp xỉ nhau quanh mốc 16 nghìn tỷ đồng. Lực cầu vẫn chưa đủ mạnh để có thể kéo VNINDEX quay trở lại vùng gap quanh mốc 1.320 điểm cho thấy sự giằng co khá khốc liệt giữa phe mua và phe bán quanh vùng 1.290 điểm. Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường ở những phiên giao dịch tiếp theo, hạn chế mua mới ở thời điểm này khi khả năng thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh test lại vùng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.240 – 1.260 điểm nếu lực bán tiếp tục gia tăng.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0