Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast ngày 04.07.2022 – Lợi suất trái phiếu kho bạc hỳ hạn 10 năm của Mỹ tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5

Nhận định Thị trường hàng ngày 04/07/2022    1028

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 04/07/2022

1.THÔNG TIN VĨ MÔ

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5

– Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm 8 điểm cơ bản xuống còn 2,889%, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5.

– Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm cũng giảm nhẹ xuống còn 3,116%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, vốn thường nhạy cảm hơn với những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ, cũng giảm 8 điểm cơ bản xuống 2,839%.

– Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm do lo ngại suy thoái và dữ liệu kinh tế đáng thất vọng. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) đã tăng 4,7% trong tháng 5. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 0,2% của tháng trước nữa nhưng vẫn quanh mức đáy kể từ 1980 đến nay.

– Lạm phát liên tục ở mức kỷ lục và những nỗ lực của Fed nhằm giải quyết tình trạng giá cả tăng vọt đã dẫn đến những lo ngại về suy thoái ngày càng leo thang. Lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ đã giảm do lo ngại suy thoái cùng những số liệu kinh tế đáng thất vọng khiến các nhà đầu tư phải tìm kiếm sự an toàn.

Kinh tế Trung Quốc ghi nhận những tín hiệu tích cực trong tháng 6

– Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 6 tại quốc gia này tăng từ 49,6 điểm trong tháng 5 lên 50,2 điểm trong tháng 6.

– Chỉ số PMI đối với lĩnh vực phi chế tạo, bao gồm các ngành xây dựng và dịch vụ, đã tăng lên từ 47,8 điểm trong tháng 5 lên 54,7 điểm trong tháng 6, mức hồi phục nhanh nhất trong hơn 1 năm qua. PMI tổng hợp đạt mốc 54,1 điểm so với mức 48,4 điểm trong tháng trước.

– Chỉ số PMI Trung Quốc là kết quả của cuộc khảo sát 3,000 công ty sản xuất lớn trên khắp Trung Quốc, trên mức 50 được coi là tích cực cho triển vọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

– Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tăng trong tháng 6, chấm dứt chuỗi giảm trong 3 tháng trước đó, sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ hoàn toàn tại đầu tàu kinh tế Thượng Hải, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh trong khi số lượng đơn đặt hàng mới đang trong xu hướng tăng.

– Dữ liệu PMI của Trung Quốc cho thấy các biện pháp hạn chế đã dần được nới lỏng. Số ngày cách ly bắt buộc giảm từ 21 ngày còn 10 ngày bao gồm cả kiểm dịch và cách ly tại nhà, dấy lên hi vọng rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng hơn nữa các hạn chế và chấm dứt chính sách Zero-Covid tồi tệ của mình, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022

– Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê (GSO), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021.

– Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%).

– Ngoài ra, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

– Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/06/2022 đạt gần 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9%yoy, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

– Trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới khi hầu hết các tổ chức lớn đều bi quan về sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm có xu hướng khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Điều này sẽ góp phần tạo thế và lực cho những tháng còn lại của năm 2022 và cả năm 2023 sắp tới.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

Tiền gửi thanh toán cá nhân vượt 1 triệu tỷ đồng 

– Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2022, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng đạt 1,04 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thông ngân hàng tăng liên tục 8 quý liên tiếp từ quý I/2020.

– Nếu trong quý I/2021, bình quân mỗi tài khoản thanh toán của người dân để khoảng 7,1 triệu đồng thì đến cuối quý I/2022, số dư này đã tăng lên 8,8 triệu đồng/tài khoản.

– Hầu hết, tiền gửi thanh toán là tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất phổ biến khoảng 0,1-0,3%/năm.  Hiện nay, một trong những mục tiêu được các ngân hàng chú trọng là tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong cơ cấu nhằm giảm chi phí huy động vốn. Theo đó, top 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất tính đến cuối Q1/2022 vẫn là Techcombank, MB, MSB, Vietcombank, ACB. Với đà tăng tiền gửi thanh toán khách hàng cá nhân như hiện tại sẽ là động lực cho các ngân hàng có khả năng thu hút CASA cao được hưởng lợi.

3. KÊNH CỔ PHIẾU

Cổ phiếu tiêu điểm ( HAH, GMD, BVH, KDH)

HAH – Ước lãi sau thuế 6 tháng đạt 437 tỷ, hoàn thành 79% kế hoạch năm

– Tổng doanh thu của HAH lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 1.615 tỷ đồng, tăng gấp 2,9 lần cùng kỳ năm 2021. LNST ước đạt hơn 437 tỷ đồng, tương đương tăng gấp gần 2,4 lần. Tổng sản lượng 6 tháng đầu năm của HAH ước đạt 480.124 TEU, trong đó khai thác cảng ước đạt 209.006 TEU, khai thác tàu ước đạt 193.090 TEU và sản lượng Depot (cảng cạn) đạt 78.028 TEU.

– Năm 2022, HAH lên kế hoạch doanh thu mục tiêu đạt 2.387 tỷ đồng, tăng 19% so với mức thực hiện năm 2021. LNST kỳ vọng đạt 550 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng ở mức 23%. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, HAH ước tính đã hoàn thành 67,6% kế hoạch về doanh thu và 79% kế hoạch về lợi nhuận.

Khuyến nghị:  

– Năm 2022 dự kiến giá cước vẩn tải vẫn neo ở vùng nền cao so với năm 2021 do vậy dự kiến HAH tiếp tục được hưởng lợi.

– Trong ngắn hạn, HAH sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ 1) mở rộng công suất: HAH hiện sở hữu 10 tàu với tổng công suất là 14.200 TEU (+30% so với đầu năm nhờ 2 tàu mới Anbien Bay và Haian City được bàn giao trong tháng 2 và tháng 4. HAH cũng đã đặt đóng mới 4 tàu (cỡ 1.800 TEU) và sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2023 – 2024 giúp tăng tổng công suất lên 21.000 TEU; 2) đóng góp của liên doanh ZIM – Hải An.

– Dự phóng năm 2022 LNST cty mẹ đạt 850 tỷ đồng (+91% yoy) tương đương PE fw 2022 đạt 5.8 lần.

Phân tích kỹ thuật: 

– HAH kết tuần ghi nhận giảm 1,11% so với tuần giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch tiếp tục thu hẹp, giảm tuần thứ 3 liên tiếp

– HAH đã trượt khỏi xu hướng tăng ngắn hạn, do đó chúng tôi cho rằng HAH hiện tại không phù hợp với các vị thế trading ngắn hạn. Các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và có thể bổ sung vị thế vào các nhịp điều chỉnh về hỗ trợ mạnh.

– Các hỗ trợ mạnh gần nhất của cổ phiếu lần lượt quanh 68.5 +/-, 64.2 +/-.

Gemadept dự phát hành 100 triệu cổ phiếu giá chiết khấu 60% so thị giá

– GMD vừa công bố phát hành 100,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 20.000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền là 3:1. Tổng số tiền dự kiến thu được là 2.009 tỷ đồng.

– GMD sẽ trích 800 tỷ đồng (39,8%) đầu tư vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ để mở rộng giai đoạn 2 và góp vốn vào các dự án cảng thủy nội địa; 1.000 tỷ đồng (49,8%) đổ vào CTCP Cảng Cái Mép

– Terminal Link để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2; và 209 tỷ (10,4%) đồng để mua sắm tài sản cố định phát triển hoạt động kinh doanh.

– Năm 2022, GMD đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.800 tỷ đồng (+19% yoy) và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng (+24% yoy). Ngoài ra, GMD đặt kế hoạch phấn đấu với LNTT lên tới 1.200 tỷ đồng (+48,8% yoy). Theo đó, GMD đã hoàn thành 35% kế hoạch phê duyệt và 29% kế hoạch phấn đấu trong Q1/2022

GMD lên kế hoạch chuyển nhượng tối đa 24% vốn Gemalink. 

Khuyến nghị: 

– Kì vọng chính cho GMD trong thời gian tới vẫn đến từ hoạt động cảng biển cốt lõi trong đó giai đoạn 2 của Gemalink và Nam Đình Vũ đi vào vận hành sẽ là động lực tăng trưởng lớn.

– GMD chia sẻ đang trong quá trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư Gemalink giai đoạn 2; kế hoạch này có mục tiêu nâng công suất Giai đoạn 2 lên 1,5 triệu TEU so với 900.000 TEU theo kế hoạch trước đó bằng cách mở rộng cầu cảng và trang bị máy móc hiện đại và hiệu quả hơn. GMD dự kiến sẽ bắt đầu vận hành hoạt động một phần của Giai đoạn 2 vào năm 2023 và hoạt động 100% công suất từ năm 2024.

– Tại miền Bắc, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 dự kiến đạt công suất sử dụng 92% vào năm 2022 – tương đương sản lượng khoảng 460 nghìn TEU. Giai đoạn 2 của dự án đã bắt đầu xây dựng vào cuối năm 2021, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng Q1/2023, nâng công suất của cảng này lên hơn 100%.

– GMD hiện có P/Efw 2022 là 16.3 lần (dự báo LNST 2022 đạt 950 tỷ đồng) – cao hơn mức trung bình ngành là 15.7 lần, do có kế hoạch mở rộng công suất lớn và tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong 3 năm tới nhờ Gemalink và Nam Đình Vũ.

Phân tích kỹ thuật 

– GMD ghi nhận giảm 1,15% trong tuần giao dịch 27/06-01/07 với khối lượng giao dịch thu hẹp so với 2 tuần trước đó

– GMD đang vận động trên vùng hỗ trợ 50.5-52 +/-, nhà đầu tư có thể mở mới vị thế với tỷ trọng nhỏ tại các nhịp điều chỉnh về quanh vùng này.

– Vùng 56.5 +/- là kháng cự mạnh của cổ phiếu, nhà đầu tư có thể chốt lời trong vùng này nếu đã đạt được lợi nhuận tương đối hoặc tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Bảo Việt trình kế hoạch cổ tức kỷ lục cho năm 2021 hơn 30% bằng tiền

– BVH dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30,261%. Cụ thể, lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế đến năm 2020 là hơn 1.561 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại của năm 2021 sau khi trích quỹ là hơn 684 tỷ đồng. Tổng cộng là hơn 2.246 tỷ đồng. Tập đoàn sẽ thực hiện chia hết cổ tức bằng tiền. Đây là mức cổ tức kỷ lục, so với mức khoảng 8-10% mỗi năm kể từ 2014 tới 2020.

– 6T/2022, ban lãnh đạo ước tính doanh thu hợp nhất là 26.300 tỷ đồng (+6.6% yoy) ~ tương đương 50,2% trên kế hoạch 52.400 tỷ đồng. Trong đó doanh thu công ty mẹ là 776 tỷ đồng (+4.5% yoy) ~ 50,8% trên kế hoạch 1.530 tỷ đồng.

– Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng dự kiến là 805 tỷ đồng ~ 50.3% trên kế hoạch 1600 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ đạt 526 tỷ đồng (+1.9% yoy) ~ 50,1% kế hoạch 1.050 tỷ đồng.

– Theo ban lãnh đạo, từ nay đến 2025, Bộ tài chính vẫn sẽ giữ nguyên tỷ lệ 65% cổ phần BVH; giai đoạn 2026-2030, Bộ Tài Chính sẽ xem xét giảm tỷ lệ sở hữu từ 65% về 51%.

Khuyến nghị:  

– BVH là tập đoàn bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và là công ty bảo hiểm đa ngành duy nhất trên thị trường. Công ty dẫn đầu thị trường mảng bảo hiểm phi nhân thọ. Kể từ 2022, BVH bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh thuận lợi hơn do (1) các điều kiện xã hội hầu hết trở lại bình thường dẫn đến chi phí bồi thường dần ổn định trở lại và (2) lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng do áp lực lạm phát gia tăng, giúp lợi nhuận từ mảng tiền gửi của BVH tăng lên.

– Kỳ vọng lợi nhuận sau thuế cty mẹ năm 2022 là 2.150 tỷ đồng (+13% yoy). P/B fw 2022 là 1.7 lần

Phân tích kỹ thuật 

– BVH giảm 3,1% trong tuần giao dịch 27/06-01/07, lấy lại 1 nửa mức tăng điểm của tuần trước đó.

– BVH đang vận động trong xu hướng tăng ngắn hạn với biên độ dao động thu hẹp dần ở cả giá và khối lượng, nhà đầu tư ưu tiên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

– Cần theo dõi diễn biến của BVH khi tiến về MA200, nếu cổ phiếu cho thấy lực tăng chậm lại và không vượt được kháng cự, chúng ta có thể cân nhắc chốt lời tại vùng này.

Nhà Khang Điền (KDH) chốt quyền chia cổ tức 2021 tỷ lệ 10%

– KDH đã thông qua việc phát hành hơn 64,29 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 10% đồng thời cũng thông qua việc phát hành 9,6 triệu cổ phiếu ESOP với giá 24.000 đồng/cổ phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng là 5/7.

– Tổng số tiền thu được rơi vào khoảng 216 tỷ đồng sẽ được bổ sung vốn kinh doanh cho công ty. Sau hai đợt phát hành trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ tăng lên 7.169 tỷ đồng.

– Năm 2022, công ty đặt kế hoạch với doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng (+7% yoy), lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng (+16% yoy). Mức cổ tức dự kiến cho năm nay sẽ là 10%.

– Về kết quả kinh doanh, kết quý I/2022, doanh thu đạt 142 tỷ (-83% yoy). Lợi nhuận gộp ghi nhận 77 tỷ (-78% yoy). Mặc dù vậy, trong kỳ, KDH ghi nhận lợi nhuận khác là 305 tỷ từ đánh giá lại tại Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhà Đoàn Nguyên, so với mức thấp -7 tỷ của Q1.2021. Kết quả, lợi nhuận sau thuế Q1.2022 vẫn ghi nhận ở mức cao là 299 tỷ (+45% yoy).

Khuyến nghị: 

– Giai đoạn 2022-2023, kỳ vọng giá trị hợp đồng bán hàng tăng mạnh so với mức thấp trong giai đoạn 2020-2021. Dự báo tổng giá trị hợp đồng bán hàng đạt 9,4 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2023, chủ yếu được thúc đẩy bởi các dự án mới Classia, Clarita và The Privia. Chúng tôi tin rằng các dự án này sẽ đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhờ vị trí đắc địa, pháp lý minh bạch, và nguồn cung mới tại TP.HCM đang khan hiếm

– Luận điểm đầu tư trung và dài hạn phụ thuộc vào việc liệu KDH có thể xử lý các vấn đề pháp lý nhằm ra mắt dự án Tân Tạo (320 ha).

– KDH đang giao dịch tương ứng với P/Efw 2022 đạt 17.8x (LNST dự báo 1.4 nghìn tỷ đồng).

Phân tích kỹ thuật 

– KDH kết tuần giao dịch ghi nhận tăng 1,04% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm tuần thứ 3 liên tiếp

– KDH diễn biến tích cực hơn so với tuần trước, tuy nhiên cổ phiếu vẫn đang vận động trong xu hướng giảm dài hạn. Điểm tích cực là trong phiên thứ Sáu (01/07) đã có lực cầu vào đỡ sau thời điểm cổ phiếu bị bán về giá 38.0 (mức hỗ trợ của tuần trước).

– Kịch bản tích cực nhất là KDH đang bắt đầu tạo đáy quanh 38.0 +/-, tuy nhiên cổ phiếu sẽ cần nhiều thời gian để tích lũy và lấy lại xu hướng tăng khi lượng cung cần xử lý đang quá lớn. Hành động phù hợp đối với cổ phiếu này là tận dụng các nhịp phục hồi để thoát vị thế và đảm bảo tỷ trọng trong danh mục không quá 20%.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

Tại sao doanh nghiệp cần phát hành trái phiếu?

– Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có sự tăng trưởng và phát triển nhanh, năm 2021 đạt 15% GDP và đến nay quý 1/2022 đã đạt 16,4% GDP.

– Về mặt bản chất, trái phiếu doanh nghiệp là chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc lãi của Tổ chức phát hành đối với người sở hữu trái phiếu, gần giống như việc doanh nghiệp đi vay.  Vậy tại sao các doanh nghiệp không tiếp tục vay ngân hàng mà lại phát hành trái phiếu doanh nghiệp?

– Trước hết, việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp, bỏ qua kênh trung gian là ngân hàng, sẽ giúp đa dạng hóa dòng vốn, giảm rủi ro tập trung, tối ưu chi phí vốn cho doanh nghiệp và lợi tức của nhà đầu tư.

– Trái phiếu doanh nghiệp giúp doanh nghiệp huy động được kỳ hạn tối ưu theo nhu cầu. Các ngân hàng về bản chất là huy động vốn (chủ yếu là ngắn hạn) để cho vay doanh nghiệp (trong đó có những nhu cầu vay dài hạn). Để đảm bảo an toàn hệ thống, các tổ chức tín dụng thường bị giới hạn bởi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, dẫn đến nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp nhiều khi không thể được đáp ứng thông qua hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, kênh phát hành trái phiếu có thể giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn dài này cho các dự án kinh doanh chiến lược.

– Trong việc phát hành trái phiếu và đầu tư trái phiếu thì doanh nghiệp và NĐT là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Việc mua TPDN nghĩa là nhà đầu tư đã góp một phần vào việc khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển đúng theo định hướng dài hạn và sứ mệnh của doanh nghiệp, đồng thời nhà đầu tư cũng được tiếp cận một kênh đầu tư mới với lợi tức tốt để đa dạng hóa danh mục tài sản. Tuy nhiên, khi đầu tư vào TPDN, nhà đầu tư cần có những hiểu biết nhất định về doanh nghiệp và trái phiếu cũng như lựa chọn tổ chức tư vấn, phân phối uy tín để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư.

Các dấu hiệu cho thấy xuất hiện rủi ro vỡ nợ chéo từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

– Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh với CAGR 40% trong vòng 5 năm qua. Báo cáo mới nhất của FiinGroup cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro vỡ nợ chéo thông qua một số dấu hiệu: (1) Hoạt động phát hành đang kém sôi động trước những biện pháp lành mạnh hóa. Theo đó 5 tháng đầu năm 2022 quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm 28% so với cùng kỳ. Nếu không tính đợt phát hành trái phiếu quốc tế của Vingroup, quy mô phát hành tháng 5 chỉ đạt 13,7 nghìn tỷ đồng. (2) Kiểm soát rủi ro tín dụng bất động sản làm cho cầu về trái phiếu bất động sản giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu phân khúc bất động sản có tính đầu cơ cao. (3) Hồ sơ chất lượng tín dụng yếu, nhất là các nhà phát hành chưa niêm yết. Phần lớn giá trị phát hành và đang lưu hành lại thuộc về các tổ chức chưa niêm yết, trong khi đó năng lực tín dụng của các doanh nghiệp chưa niêm yết yếu hơn rất nhiều so với doanh nghiệp niêm yết. (4) Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản đang ở mức rất cao khi tính đến cuối tháng 4, khoảng 63% quy mô trái phiếu doanh nghiệp của bất động sản sẽ đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 – 2024).

– Nhìn chung, mặc dù có thách thức nhưng không thể không kỳ vọng về triển vọng dài hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi nhiều dự án lớn trong tương lai đến từ các quy hoạch của nhà nước mà ngân hàng không thể tài trợ hết nhu cầu vốn dài hạn được. Do đó, trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải khơi thông và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, triển vọng này có phần phụ thuộc vào Nghị định sửa đổi Nghị định 153 sắp được cơ quan quản lý ban hành tới đây.

Một số giá hàng hóa và chỉ số quan trọng

– Vàng giảm 0,88%, về mức thấp nhất trong gần 7 tuần, đạt 1.810,2 USD/t.oz, bị ảnh hưởng bởi (1) đồng USD mạnh lên tiếp tục làm giảm nhu cầu vàng và (2) đợt bán tháo trên diện rộng các tài sản rủi ro buộc các nhà đầu tư đóng bớt vị thế ở vàng để bù đắp tổn thất. Trong khi đó, chỉ số Dollar tăng nhẹ 0,01% trong tuần này lên 105,14 điểm, tăng 3,25% trong vòng 4 tuần qua. Các nhà hoạch định chính sách của FED trong tuần qua cam kết dứt khoát về việc giảm lạm phát, ngay cả khi thị trường đang trong nguy cơ suy thoái, cho tín hiệu về một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa vào tháng 7.

– Giá dầu Brent giảm xuống còn 109,5 USD / thùng vào thứ Sáu trong bối cảnh lo ngại rằng một cuộc suy thoái tiềm ẩn sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng. Sự suy giảm trong nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng thể hiện rõ, cho đến nay vẫn là nguồn đóng góp lớn nhất vào GDP. Vào thứ 5, OPEC+ đã đồng ý giữ nguyên chiến lược sản lượng sau hai ngày họp, tăng sản lượng thêm 648.000 thùng / ngày trong tháng 7 và tháng 8. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Trung Đông vào cuối tháng này để thúc giục Ả Rập Xê-út và UAE tăng nguồn cung hơn nữa, nhưng các báo cáo đầu tuần này cho thấy hai nhà sản xuất lớn đang tiệm cận giới hạn công suất trong ngắn hạn.

– Giá thép tăng 4,63% trong tuần vừa rồi lên mức 4500 NDT/tấn, phục hồi từ mức thấp nhất trong 6 tháng khoảng 4.230 NDT/tấn do triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu dung ở Trung Quốc khi nước này tuyên bố những tín hiệu tích cực trong việc ngăn chặn đợt bùng phát Covid-19 mới nhất, đặc biệt là ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Trên hết, các tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ gia hạn gói kích thích để ổn định nền kinh tế càng làm tăng thêm tâm lý lạc quan.

– Giá lúa mì Chicago giảm mạnh ~37% từ đỉnh xuống mức 827 USD/Bushel , kéo dài mức sụt giảm gần đây lên mức chưa từng thấy kể từ khi Nga xâm lược Ukraine và dữ liệu trồng mới của USDA cho thấy diện tích ngũ cốc và lượng dự trữ cao hơn kỳ vọng của thị trường. Nguồn cung được dự báo sẽ tăng mạnh vì các trang trại ở Bắc Mỹ đang vượt tiến độ trong mùa thu hoạch. Đồng thời, một vụ mùa bội thu từ Nga, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, cho thấy lượng lúa mì có sẵn để vận chuyển cao kỷ lục.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0