Hợp tác cùng phát triển

Bản tin thị trường ngày 11.03.2020

Nhận định Thị trường hàng ngày 11/03/2020    904

Chia sẻ

Các chỉ số và hầu hết các cổ phiếu có thêm phiên giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay. Trạng thái hồi phục nhẹ chỉ duy trì ở thời điểm đầu phiên giao dịch với thanh khoản thấp và khi lượng cung bán gia tăng trong phiên chiều đã khiến đà bán tháo quay trở lại. Dòng tiền bắt đáy hoạt động mạnh ở thời điểm gần cuối phiên giao dịch giúp chỉ số lấy lại phần nào điểm số đánh mất nhưng mức giảm điểm vẫn khá lớn. VNIndex đóng cửa ở 811,35 điểm -26,15 điểm và VN30 đóng cửa ở 758,16 điểm -31,35 điểm. Thanh khoản toàn thị trường không bao gồm hoạt động giao dịch thỏa thuận đạt gần 5.000 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lặp lại tình trạng giảm điểm mạnh với nhiều cổ phiếu lớn ngành ngân hàng giảm sâu. Áp lực giảm điểm chính của các chỉ số đến từ các cổ phiếu như: BID; VCB; GAS; TCB; CTG; VPB; VJC…Ở chiều ngược lại không có cổ phiếu vốn hóa lớn nào đủ sức đi ngược thị trường để hỗ trợ ngăn đà giảm của chỉ số. Số lượng cổ phiếu giảm ở tương quan áp đảo với đà giảm trải rộng trên nhiều nhóm ngành và nhóm vốn hóa. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chịu sức ép bán giảm sâu như: BID -7%; PVS -7%; VJC -7%; GAS -6,9%; MWG -6,9%; VPB -6,9%; PNJ -6,9%; CTD -6,9%…Ở chiều tích cực SHB ghi nhận mức tăng ấn tượng khi tăng giá trần +9,9% và một số ít cổ phiếu vốn hóa nhỏ khác tăng mạnh.

Khối nhà đầu tư ngoại giao dịch ở quy mô sôi động hơn mức trung bình và khối này tiếp tục bán ròng với hơn 240 tỷ trên sàn HOSE. Áp lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu như: HPG; VJC; E1VFVN30; VRE; GAS; MSN; VHM….Ở chiều ngược lại họ mua ròng cổ phiếu VNM với quy mô hơn 120 tỷ đồng và cũng mua vào ở các cổ phiếu: CTG; PHR; SAB; DHC.

Chúng tôi đánh giá trạng thái của thị trường hiện vẫn rất tiêu cực với đà giảm trên diện rộng, mức giảm mạnh và tâm lý nhà đầu tư khá hoảng loạn. Áp lực giảm sâu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục cho thấy hành động bán ra quyết liệt từ dòng tiền tổ chức đặc biệt là khối nhà đầu tư ngoại. Tác động của dịch Covid-19 đang diễn ra ngoài mức dự báo của giới đầu tư và khiến thị trường chứng khoán toàn cầu gánh chịu chuỗi ngày giảm điểm mạnh. Theo kinh nghiệm của chúng tôi với những tình huống như hiện rất khó để dự báo đâu là điểm dừng về mặt điểm số bởi thị trường biến động mạnh theo tâm lý và các ngưỡng hỗ trợ trở nên thiếu hiệu quả. Cách phán đoán vùng đáy khả thi là quan sát trạng thái của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn để đánh giá góc nhìn từ dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức và hiện chúng tôi vẫn chưa nhận thấy có sự cải thiện đáng kể nào.

Chi tiết Quý Khách hàng vui lòng xem TẠI ĐÂY

Chỉ số VN30 tiếp tục diễn biến tiêu cực trong phiên ngày 11/3 với mức độ giảm tương đối sâu và nhiều cổ phiếu chịu áp lực giảm mạnh. Phiên giao dịch sáng VN30 giảm điểm trong biên độ hẹp nhưng áp lực cung bất ngờ tăng mạnh trong phiên giao dịch chiều và trải rộng trên nhiều cổ phiếu với tâm lý bán thoát ra bằng mọi giá. Mặc dù có một chút nỗ lực hồi phục ở cuối phiên nhưng nhìn chung vẫn đóng cửa ở mức gần thấp nhất phiên. VN30 đánh mất 31.35 điểm, tương ứng với 3.97%, tiêp tục ghi nhận điểm số thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây.

Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu trong danh mục VN30 tiếp tục tăng vọt , thể hiện thực tế rằng khá nhiều cổ phiếu trong danh mục này vẫn đang bị bán rất mạnh, điển hình là nhóm cổ phiếu nằm sàn như BID, VJC, GAS, MWG, PNJ, VPB, TCB. Theo đó, thị trường hợp đồng tương lai biến động rất mạnh, khi có lúc đánh mất gần 55 điểm tính từ mức giá tham chiếu. Lực bắt đáy khi giá hợp đồng bi quan quá mức, cùng với mức chênh lệch hơn 20 điểm giúp giá hợp đồng VN30F2003 lấy lại được 1 phần nhỏ số điểm đã mất. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rủi ro giảm giá vẫn chưa dừng lại khi phiên giao dịch ngày mai ít nhiều sẽ chịu áp lực bán từ một phần lớn lượng hàng mua giá thấp về tài khoản.

Nhìn chung, thị trường diễn biến ngày một tiêu cực hơn và tâm lý các thành phần tham gia thị trường ngày càng bi quan hơn. Áp lực tâm lý của người cầm cổ phiếu ngày càng lớn khi các thị trường chứng khoán quốc tế tiếp tục giảm cùng với bất ổn của tình hình dịch bệnh đang phủ sóng cả trong và ngoài nước. Chiến lược giao dịch xuyên suốt theo xu hướng vẫn là ưu tiên vị thế Short chủ động khi chỉ số hồi phục và suy yếu trở lại.

Chi tiết Quý Khách hàng vui lòng xem TẠI ĐÂY